Ăn sô-cô-la, đẩy xa bệnh tim

Cập nhật ngày: 16/03/2016 04:22:02

Trong năm 2015, một nghiên cứu của tác giả Chun Shing Kwok đăng trên tờ tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ về mối liên quan giữa bệnh lý tim mạch và ăn sô-cô-la.

Trong năm 2015, một nghiên cứu của tác giả Chun Shing Kwok đăng trên tờ tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ về mối liên quan giữa bệnh lý tim mạch và ăn sô-cô-la. Các nhà nghiên cứu đã đưa lại những tín hiệu vui cho những người là tín đồ của loại kẹo ngọt ngào biểu trưng của tình yêu này. Sô-cô-la đã cho thấy làm giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch trong tương lai. Những người ăn sô-cô-la từ 16 - 99g/ngày có thể làm giảm 12% nguy cơ bệnh tim và giảm 23% nguy cơ tai biến mạch não.

Bệnh tim mạch và ca cao

Các bằng chứng về dịch tễ học chứng minh chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả giúp cải thiện sức khỏe, làm chậm tiến triển của các bệnh lý tim mạch. Dùng nhiều ca cao và sô-cô-la thường phối hợp giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch ở một số các nghiên cứu lâm sàng. Nghiên cứu Zutphen cho thấy dùng nhiều ca cao thường làm giảm huyết áp và tỷ lệ tử vong toàn bộ. Một nghiên cứu ở Italy cho thấy nguy cơ nhồi máu cơ tim đảo ngược khi dùng sô-cô-la nhiều hơn, nguy cơ nhồi máu cơ tim sẽ giảm 77% ở những bệnh nhân dùng 3 thanh sô-cô-la mỗi ngày so với những người dùng ít hơn. Một số nghiên cứu can thiệp lên chế độ ăn ở người chứng minh rằng ca cao và những thức ăn giàu flavanol có thể có tác dụng bảo vệ mạch máu. Dù các số liệu cho thấy có kết quả gần tương tự nhau đều gợi ý rằng flavanol là một chất bảo vệ tim. Các nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy flavanol có hiệu quả chống oxy hóa, điều chỉnh tín hiệu tế bào, thay đổi đặc tính màng tế bào và các thụ thể chức năng, ức chế một vài enzym.


Ca cao và các sản phẩm ca cao có hiệu quả chống tăng huyết áp.

Flavanol trong cacao như là một chất chống oxy hóa

Một vài enzym khi dùng ca cao tác động trực tiếp lên bệnh lý tim mạch và chuyển hóa oxy hóa như 5 lipoxygenase, cyclooxygenase và metalloproteinases. Sự tương tác của flavanol và các protein này có thể cũng giúp thay đổi điều chỉnh của các gen. Đặc hiệu hơn, hiệu quả của flavanol và procyanidins tác động lên chất điều hòa oxy hóa NF-kB. Các phân tử procyanidins lớn thường tác động lên tế bào từ bên ngoài, điều chỉnh hoạt động của NF-kB bằng cách điều chỉnh thụ thể mang ligand (phức hợp đôi) đến các thụ thể.

Ca cao và xơ vữa động mạch

Thay đổi trong nồng độ cholesterol huyết thanh, đặc biệt là LDL-cholesterol tăng và giảm HDL-cholesterol góp phần làm phát triển mảng xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch. Giảm nồng độ LDL-cholesterol đã được thấy trên bệnh nhân điều trị bằng polyphenols. Ca cao dùng trên bệnh nhân tăng cholesterol nhẹ có thể làm giảm thấp hơn 5% mức LDL cholesterol sau 4 tuần (khi uống ca cao hàng ngày từ 81-163mg/ngày). Thậm chí ở người trẻ có mức cholesterol bình thường dùng sô-cô-la sữa 105g/ngày (chứa 168mg flavanol) sẽ làm giảm 15% mức LDL-cholesterol sau 14 ngày. Những bệnh nhân có tăng huyết áp tiên phát dùng 100g/ngày sô-cô-la đen (chứa 88mg flavanol) trong 15 ngày sẽ làm giảm 11% LDL cholesterol. Những nghiên cứu này giải thích nguyên nhân làm giảm LDL cholesterol là do: (1) ức chế hấp thu cholesterol từ đường ruột; (2) ức chế tổng hợp LDL từ gan; (3) giảm apolipoprotein B100 ở gan; (4) tác động lên thụ thể chuyển LDL ở gan. Tất cả các cơ chế đều do tác động giữa flavanol và màng tế bào cũng như toàn bộ cấu trúc tế bào đặc biệt lên lipid và protein. Tăng HDL cholesterol được chứng minh trên thực nghiệm và trên những người có tăng cholesterol nhẹ nếu dùng sô-cô-la đen hoặc dùng ca cao dạng bột.

Ca cao và tăng huyết áp

Các nghiên cứu dịch tễ cũng cho thấy thức ăn giàu polyphenol làm giảm huyết áp và dự phòng được tình trạng tăng huyết áp những năm tiếp theo. Ca cao và các sản phẩm ca cao cho thấy có hiệu quả tiềm năng chống tăng huyết áp. Điều này được chứng minh ở tộc người da đỏ Kuna ở Panama khi những người này sử dụng nhiều ca cao có tỷ lệ tăng huyết áp thấp hơn hẳn các vùng khác của Panama. Nghiên cứu của Grassi tại Ý trên một nhóm người trẻ khỏe mạnh được dùng chế độ ăn giống nhau chỉ khác biệt một nhóm dùng 100g sô-cô-la đen và nhóm còn lại dùng 90g sô-cô-la trắng (100g sô-cô-la đen có 500mg polyphenol còn sô-cô-la trắng không có polyphenol). Nghiên cứu cho thấy sô-cô-la đen làm giảm huyết áp trong khi không thấy điều này ở người dùng sô-cô-la trắng. Dùng sô-cô-la đen có thể làm giảm 4,7mmHg huyết áp tâm thu và 2,8mmHg huyết áp tâm trương.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiệu quả có lợi trên rất nhiều bệnh lý tim mạch của sô-cô-la đã được chứng minh dựa trên tác động của flavanol và procyanindins trên chức năng thành mạch cho thấy sô-cô-la có lợi cho sức khỏe tim mạch. Lời khuyên của tôi cho những bệnh nhân của mình là nếu bạn có cân nặng bình thường, ăn sô-cô-la không làm tăng nguy cơ tim mạch mà thậm chí có thể có lợi cho tim mạch. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ không khuyên bệnh nhân của tôi tăng dùng sô-cô-la  nếu họ thừa cân.

TS.BS. Phạm Như Hùng (SKĐS )

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn