Ăn uống phòng bệnh mùa mưa lũ

Cập nhật ngày: 03/10/2013 05:42:18

Ở những vùng bị thiên tai, lũ lụt, nguồn lương thực - thực phẩm bị thiếu hụt, cuộc sống rất khó khăn. Vậy, tổ chức bữa ăn như thế nào vừa bảo đảm dinh dưỡng lại vừa an toàn giúp người dân có sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh? Dưới đây là một số gợi ý của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Trước hết, yêu cầu bữa ăn gia đình phải đảm bảo được:

1. Ăn no (đủ năng lượng): Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, người dân có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm này như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để có bữa ăn no.


Ảnh minh họa.

2. Ăn đủ dinh dưỡng: Có đủ đại diện của 4 nhóm thực phẩm:

- Nhóm lương thực: gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì.... Ngoài gạo còn có các loại lương thực khác như khoai (khoai lang, khoai môn, khoai nước, khoai sọ, khoai tây);Củ (củ sắn, dong, củ từ, củ mỡ....). Các loại ngô và khoai, củ có thể nấu ăn riêng hoặc trộn với gạo nấu cơm.

- Nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc.... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước(cá, tôm, lươn, ốc, ếch...). Vừa khai thác tiềm năng thiên nhiên này vừa khẩn trương phát triển nuôi trồng thủy sản ngay sau lũ rút để tạo ra sản phẩm cải thiện bữa ăn và phát triển kinh tế.

- Nhóm chất béo: gia đình nào có mỡ thì dùng mỡ; có dầu thì dùng dầu. Ngoài ra có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo.

- Nhóm vitamin và chất khoáng như: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khóang trong bữa ăn. Nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Rau gồm đủ loại (rau lá, rau củ, rau quả). Rau lá xanh có nhiều vitamin C, Beta caroten và có nhiều loại như: rau muống, rau bí, rau diếp, xà lách, rau đay, rau dền, rau mồng tơi, rau lang, rau ngót, rau cần. Rau ngót và rau muống là nững loại rất dễ trồng. Ngoài rau lá xanh còn các loại bầu, bí, mướp; các loại cà (cà bát, cà pháo, cà tím, cà chua); các loại cải (cải bắp, cải cúc, cải sen, cải thìa; các loại củ làm rau (củ cải trắng, củ cải đỏ, củ đạu, củ niễng, củ cà rốt); các loại quả làm rau (đu đủ xanh, chuối xanh, khế, dưa chuột, dưa gang, đậu cô ve, đậu ván, đậu rồng, đậu vàng, đậu xanh); các loại măng (măng chua, măng nứa, măng tre, măng vầu, măng đắng); các lọai rau gia vị (hành, hẹ, rau húng, rau thơm, rau mùi, kinh giới, tía tô, thìa là, rau dăm, giềng, nghệ, gừng, tỏi...). Các loại rau gia vị có nhiều vi khóang, kháng sinh thực vật, nhiều loại tinh dầu thơm có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Rau ở Việt Nam phát triển rất nhanh nên cần khuyến khích trồng ngay để cứu đói sau lũ lụt. Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang dại như rau vòi voi, rau cải trời, rau dệu, rau giấp cá, rau dền gai, rau khúc, rau muối, rau sam, rau tàu bay, các loại măng rừng. Rau quả nên dùng tươi, tránh dập nát, rửa xong mới thái, thái xong nấu ngay rồi ăn ngay để tránh hao hụt vitamin.

3. Ăn đa đạng:

Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm, trong điều kiện có thể nên phối hợp từ 10-15 loại, bao gồm đại diện của 4 nhóm.

4. Ăn tiết kiệm:

Người nấu ăn cần biết chọn thực phẩm an tòan, giàu dinh dưỡng, giá thành hạ, phối hợp đa dạng thực phẩm, tính tóan nấu sao cho sát không để thừa.

5. Nên ăn 3 bữa ăn trong ngày:

Cố gắng ăn 3 bữa trong ngày: Sáng, trưa, tối

Bữa sáng, bữa trưa coi là bữa chính, bữa tối không nên ăn quá no và quá muộn. Món ăn nên chế biến có màu sắc tự nhiên, mùi vị hấp dẫn, ăn đúng bữa khi cơm và thức ăn nấu mới xong, khi ăn nhai kỹ, tạo không khí bữa ăn thoải mái,vui vẻ thì sẽ kích thích men tiêu hoá tiết ra nhiều, tiêu hoá tốt; tỉ lệ hấp thu các chất dinh dưỡng cao hơn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm:

Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hòan cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an tòan vệ sinh. Do đó, cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình theo các hướng dẫn sau:

Chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn

- Chọn các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không được có màu sắc, mùi vị lạ.

- Sữa mẹ là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn nhất cho trẻ.

- Chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi.

- Chọn trứng: vỏ trứng màu sáng, không có những vệt xám đen, không bị dập. Quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.

- Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sắn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung và còn hạn sử dụng

- Không sử dụng các loại thực phẩm khô đã bị mốc.

- Không sử dụng các chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác.

- Không sử dụng các thực phẩm còn nghi ngờ.

Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ

- Dùng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối…đã qua xử lý hoặc lắng lọc.

- Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra.

- Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, không thôi các chất gây độc. Nước đun sôi để nguội cũng chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ.

- Dùng nước đã đun sôi để nguội để uống hoặc dùng pha chế nước giải khát, làm kem, nước đá.

- Bình đựng nước uống phải sạch, bằng vật liệu chuyên dùng chứa đựng thực phẩm.

Sử dụng các đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch

- Sử dụng các dụng cụ nấu nướng, ăn uống sạch và bằng vật liệu thích hợp đã được ngành y tế cho phép.

- Không để các dụng cụ bẩn qua đêm.

- Thức ăn còn thừa, thực phẩm thải bỏ phải được đựng vào thùng kín có nắp đậy và chuyển đến chỗ thu gom rác theo quy định hàng ngày.

- Bát đĩa phải được rửa sạch ngay sau khi ăn xong và úp vào trạn ăn có giá đỡ khô ráo, tránh bụi bẩn và côn trùng bò vào.

- Dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm sống, chín riêng biệt.

- Không sử dụng các dụng cụ ăn uống đã bị rách, xước, sứt mẻ, mốc bẩn hoặc hoen rỉ.

- Nếu bát đĩa vừa rửa xong cần dùng ngay thì tốt nhất nên tráng lại bằng nước sôi. Không dùng khăn ẩm mốc, nhờn mỡ để lau khô bát đĩa.

- Không dùng các chất tẩy uế, chất sát trùng vệ sinh nhà cửa hoặc xà phòng giặt để rửa dụng cụ ăn uống.

Chuẩn bị thực phẩm sạch và nấu chín kỹ

- Lựa chọn phần ăn được, loại bỏ các vật lạ lẫn vào thực phẩm như sạn, xương, mảnh kim loại, thủy tinh, lông tóc…

- Rau quả phải rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc thay nước rửa 3-4 lần bằng nước sạch trong chậu rửa to, các loại quả cần rửa sạch, gọt vỏ rồi mới ăn.

- Các loại thực phẩm đông lạnh phải làm tan băng đá hoàn toàn và rửa sạch trước khi chế biến, nấu nướng,

- Nấu chín kỹ thực phẩm, đun sôi nước uống.

Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong

- Để bảo đảm an toàn nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng, vừa nấu chín xong.

- Đối với các thực phẩm không cần nấu chín như chuối, cam, dưa và các loại quả khác thì cần ăn ngay khi vừa bóc vỏ hay cắt ra.

Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn

- Giữ nóng ở nhiệt độ từ 60 độ C trở lên hoặc bảo quản lạnh trong điều kiện từ 10 độ C trở xuống.

- Không đưa quá nhiều thức ăn còn ấm hoặc thức ăn đang nóng vào tủ lạnh.

- Phải đun lại thức ăn cũ (còn thơm không ôi thiu) ở nhiệt độ sôi ngay trước khi ăn.

- Không để lẫn thực phẩm sống và thức ăn chín.

- Không để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu vực chế biến thực phẩm.

- Thức ăn cần được che đậy tránh bụi, ruồi nhặng hay sự xâm nhập của côn trùng, gặm nhấm và các động vật khác.

- Bảo quản tốt các thực phẩm đóng gói theo đúng yêu cầu ghi ở nhãn.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt

- Rửa ray bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh

- Không dùng tay bốc thức ăn.

- Mặc quần áo sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng khi chuẩn bị thực phẩm để nấu nướng

- Cắt móng tay ngắn và sạch sẽ. Nếu có vết thương ở tay thì phải băng kín bằng vật liệu không thấm nước.

Không chế biến thực phẩm hoặc phục vụ ăn uống khi đang đau bụng, ỉa chảy, sốt, nôn, nhiễm khuẩn ngoài da hoặc các bệnh lây truyền khác.

Giữ gìn vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

- Khu vực chế biến thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh.

- Tất cả các bề mặt để chuẩn bị, chế biến thực phẩm phải giữ sạch.

- Bếp, phòng ăn phải đủ ánh sáng và thông gió.

- Không để nước rửa thực phẩm, rửa dụng cụ ăn uống ứ đọng làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

- Không để các chất tiệt trùng, tẩy uế cống rãnh khi làm vệ sinh bắn vào gây ô nhiễm thực phẩm.

- Phải đủ nước sạch sử dụng trong chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực ăn uống, chế biến.

- Che đậy cẩn thận đề phòng sự xâm nhập của gián, chuột và các động vật khác ở nơi ăn uống và chế biến thực phẩm.

Sử dụng các vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ và thích hợp

- Không sử dụng các loại lá bẩn, giấy viết cũ, sách báo, giấy in, túi nilon tái sinh có màu để gói thức ăn chín.

Vật liệu bao gói thực phẩm phải giữ sạch, không có mùi vị, màu sắc lạ khác thường và không thôi các chất gây độc vào thực phẩm.

- Chỉ sử dụng các thực vật đóng hộp, bao gói khi có nhãn đầy đủ trung thực, có đầy đủ các thông tin cần thiết.

Ngăn chặn, xử trí kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh

- Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.

- Phải vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.

- Thu hồi toàn bộ các thức ăn đã gây ngộ độc hiện lưu hành trong khu vực hay gia đình để huỷ bỏ, thực hiện ngay công tác vệ sinh loại trừ yếu tố gây ô nhiễm và chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý.

- Làm vệ sinh môi trường, và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.

Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn