Bánh phồng hương vị đặc trưng trong ngày Tết
Cập nhật ngày: 13/02/2013 05:52:05
Không biết tự bao giờ, bánh phồng đã trở thành món lễ vật không thể thiếu trong những ngày Tết. Đặc biệt là từ những ngày cúng tiễn ông táo về trời cho đến Tết.
Trước giờ giao thừa, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng nướng bánh
Trước đây, ở thôn quê, cứ vào dịp rằm tháng chạp hàng năm, nhà nhà đều nhộn nhịp quết bánh phồng ăn Tết. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, không còn nhiều gia đình quết bánh phồng như trước, mà chủ yếu là đặt mua từ một số ít gia đình còn lưu giữ nghề truyền thống này. Vì vậy, hiện nay nhiều bạn trẻ ít người biết được các công đoạn làm bánh rất công phu.
Bà Trần Thị Phương, ấp Tịnh Mỹ, Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh là một trong số ít người còn lưu giữ nghề truyền thống này. Bà Phương làm bánh phồng ngoài việc để con cháu nhớ đến món ăn truyền thống cúng ông bà trong dịp Tết, còn luôn tiện bán cho bà con để cúng tổ tiên và thưởng thức hương vị đặc trưng.
Theo bà Phương, để có chiếc bánh ngon, người làm bánh phải cất công chọn nếp rặt, ngâm nếp chung với khóm và men đúng ba ngày ba đêm, đãi cho sạch nước đục. Đến khi các công đoạn này hoàn thành, khoảng 2 giờ sáng, người làm bánh thức dậy xôi nếp rồi cho vào cối quết, vừa quết vừa thấm nước đường, đậu cho bánh đạt độ dẻo cao, đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đậu phộng, đậu nành đun sôi và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các chất làm phụ gia như đậu phộng, đậu nành... được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn.
Bà Phương cho biết: “Làm bánh phồng rất dày công, nên mấy năm trở lại đây, rất ít gia đình bỏ công làm. Chủ yếu họ đặt gia đình tôi làm, người này truyền miệng cho người kia, nên khách hàng đến đặt làm bánh ngày càng đông. Mấy ngày giáp Tết này là làm không đủ bán, cả nhà tất bật, người xôi, người quết, người cán bánh đem phơi...”.
Phơi bánh
Bà Phương đã theo nghề hơn 10 năm, bí quyết làm bánh của bà rất độc đáo. Bánh do bà làm khi nướng lên độ phồng rất to, đẹp, thơm ngon, rất được khách hàng ưa chuộng. Mỗi ổ bánh, 100 cái, bà lời chỉ khoảng 50.000 đồng. Năm nay, bà dự đoán nhu cầu của khách hàng tăng cao. Do vậy, thời điểm này bà đã chuẩn bị chọn mua nếp rặt và các nguyên liệu dùng để làm bánh.
Từ xa xưa cho đến ngày nay, bánh phồng được xem là lễ vật không thể thiếu để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày Tết và cũng là món ăn dân dã cho con cháu vui vầy bởi hương vị đặc trưng.
Trong thời khắc chuẩn bị giao thừa, cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa than đỏ rực, nướng chiếc bánh phồng vàng tươi, những mệt nhọc, lo toan sau một năm làm việc vất vả sẽ tan biến đi và những người con xa quê như được sống lại những ngày ấu thơ. Riêng những người lớn tuổi cho rằng, chiếc bánh phồng tuy nhỏ nhưng khi nướng lại phồng to là biểu hiện cho sự phát triển, thịnh vượng trong năm mới...
Kim Ngân