Cách đơn giản làm giảm đau nhức xương khớp mùa lạnh

Cập nhật ngày: 18/10/2015 04:29:10

Thời tiết lạnh là lý do khiến nhiều bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa khớp tiến triển. Làm thế nào để đẩy lùi các cơn đau dồn dập từ xương khớp hành hạ?


Luyện tập các bài thể dục vào buổi sáng có tác dụng rất lớn trong việc giảm các cơn đau khớp. Ảnh: Chí Cường

5 vị trí hay đau nhức

Mùa đông trời lạnh, các bệnh về xương khớp, viêm khớp lại có xu hướng gia tăng. Những người mắc bệnh thấp khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, đau mỏi cơ xương khớp, tê cứng, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng, khó cử động… ở vùng bị tổn thương. Điều này khiến bệnh nhân khổ sở, giảm chất lượng cuộc sống. Biểu hiện thường đa dạng như: Đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Đau nhức khớp do thời tiết tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng là tình trạng khá phổ biến và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống. Thậm chí, nếu không có biện pháp phòng ngừa hay điều trị kịp thời, tình trạng đau nhức khớp kéo dài sẽ dẫn đến chứng viêm và cứng khớp.

Mùa lạnh, các bệnh nhân thoái hóa khớp sáng thức dậy bị cứng khớp cổ tay, chân và bàn tay  khiến người bệnh phải làm các động tác như gấp, xoay cổ tay... một hồi mới giảm bớt cảm giác cứng khớp. Nguyên nhân thứ nhất, khi trời lạnh, các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn làm cho các khớp trở nên cứng hơn, khó cử động hơn. Hơn nữa khi trời lạnh, các thói quen tập luyện hàng ngày cũng bị giảm đi, góp phần làm bệnh nặng thêm.  

Thứ hai, chứng đau vai gáy, đau thắt lưng. Bệnh thường gặp ở những nhân viên văn phòng, đánh máy tính... Trời lạnh khiến các cơ vùng vai gáy, thắt lưng co cứng lâu ở tư thế xấu, gây đau, mỏi cơ. Các gân cơ thường bị co rút gây nên các chứng vẹo cổ cấp do lạnh, vận động khớp khó khăn khiến bệnh nhân dễ ngã. Thậm chí có thể gây nên gãy xương. Nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí tăng cao cũng làm co mạch máu ngoại vi, làm giảm tưới máu cho cơ, khớp nên gây ra các biểu hiện như: Đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng.

Thứ ba là bệnh gút. Bệnh gút là tình trạng viêm khớp vi tinh thể, do lắng đọng của muối urat vào trong các khớp, với những biểu hiện như: Đau dữ dội, sưng, nóng, đỏ, đặc biệt ở khớp ngón chân cái. Bệnh gút phổ biến nhất trong nam giới trên 40 tuổi. Một số bệnh nhân bị gút cũng thường hay bị tái phát các đợt viêm khớp cấp trong thời tiết lạnh do acid uric trong máu bị kết tủa lắng đọng vào khớp gây viêm.  

Thứ tư, bệnh viêm khớp dạng thấp. Đây là một bệnh viêm khớp mạn tính, các khớp nhỏ, nhỡ của chân tay như khớp bàn tay, cổ tay, khớp gối… thường bị viêm, lâu dần dẫn đến cứng khớp, dính khớp, khiến bệnh nhân bị tàn phế. Khi thời tiết trở lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, các yếu tố gây viêm không được kiểm soát sẽ làm cho các khớp bị sưng đau, vận động trở nên khó khăn, đặc biệt vào buổi sáng.

Thứ năm, bệnh xơ cứng bì toàn thể, với một trong các biểu hiện chính của bệnh là hội chứng Raynaud. Khi tiếp xúc với lạnh, các mạch máu của ngón tay, ngón chân bị co thắt gây thiếu máu đầu chi. Hậu quả là các ngón tay, ngón chân trở nên trắng bệch, tê cóng, thậm chí hoại tử.

Trời càng lạnh, càng tăng đau nhức xương khớp

Thời tiết lạnh là lý do khiến nhiều bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hoá khớp tiến triển. Hippocrate - cha đẻ của nền y học hiện đại từng khẳng định một số bệnh phát sinh theo mùa. Trong khi đó,Y học cổ truyền Trung Hoa cũng gọi bệnh thấp khớp là “bệnh gió mùa”. Theo Y học cổ truyền, thời tiết thay đổi là điều kiện rất thuận lợi để các yếu tố gây bệnh (được gọi là tà khí) như phong, hàn, thử, thấp... xâm nhập và cơ thể, lưu đọng lại ở các khớp xương khiến kinh lạc bị ứ trệ, khí huyết kém lưu thông mà phát sinh chứng đau mỏi, đau nhức ở các khớp.

Y học hiện đại đã chứng minh rằng, sự thay đổi của thời tiết như nóng, lạnh thất thường, lúc khô hanh, lúc lại ẩm ướt… cùng tác động của các yếu tố bên trong cơ thể như độ nhớt máu, dịch khớp, sự kết tủa của muối, thay đổi nồng độ hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch… chính là nguyên nhân góp phần  làm xuất hiện các đợt đau xương khớp khi trời trở lạnh.  

Ngoài ra, vào mùa lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút nhanh chóng khiến cho các yếu tố gây bệnh như: Vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công cơ thể.  

Tuy nhiên, ngoài yếu tố thời tiết, có một số đối tượng nhạy cảm hơn với sự thay đổi thời tiết nên dễ bị mắc bệnh cơ xương khớp khi trời giá lạnh. Đầu tiên đó là những người cao tuổi. Ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu. Khả năng thích nghi với những thay đổi thời tiết kém làm cho khí huyết giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch gây nên tình trạng đau và thoái hóa khớp xương. Thứ hai là phụ nữ tuổi mãn kinh (trên 45 tuổi). Họ thường cảm thấy đau dọc xương, cảm giác khó chịu như kiến bò, kiến cắn, nhất là khi đêm về... Nguyên nhân là do suy giảm hormon sinh dục nữ, gây nên giảm mật độ xương và loãng xương, làm đau xương khớp tái phát khi thay đổi thời tiết. Thứ ba là thậm chí những người trẻ tuổi là nhân viên văn phòng hay những người phải hoạt động thể lực quá mức cũng dễ bị đau khớp khi chuyển mùa.  

Các biện pháp giảm đau không cần thuốc

Đầu tiên là cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho hệ xương khớp như: Cá hồi, bắp cải, cà  chua, ngũ cốc nguyên hạt… Những người bị gút cần phải bỏ hẳn rượu, bia và hạn chế các món ăn giàu đạm, giàu chất béo. Bệnh nhân cần sinh hoạt điều độ, tuân thủ chế độ thuốc men thường xuyên của mình.

Khi trời lạnh, mưa phùn, bệnh nhân khớp cần hạn chế ra ngoài đường. Nếu có việc ra đường thì phải giữ ấm toàn thân, nhất là bàn tay, bàn chân. Bệnh nhân cần đội mũ, đeo găng tay, đi tất, quàng khăn ấm, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Bệnh nhân có thể ngâm nước muối ấm bàn tay, bàn chân, sử dụng túi chườm nóng, lò sưởi, điều hoà nhiệt độ…  

Ngoài ra người bệnh cần luyện tập, xoa bóp để khớp được vận động linh hoạt. Đi bộ, tập các bài tập giúp cải thiện vận động và giảm cứng khớp. Hoạt động này vào buổi sáng sớm có tác dụng rất lớn trong việc giảm các cơn đau khớp.

Theo GiadinhNet

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn