Đau lưng, cẩn thận mắc bệnh thoái hóa cột sống
Cập nhật ngày: 13/09/2015 04:25:24
Đau lưng không loại trừ một ai từ người nông dân lao động vất vả tới những nhân viên bàn giấy ngồi ở văn phòng. Nếu đau lưng kéo dài và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày thì đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh thường gặp như: thoái hóa cột sống, sỏi thận, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu… Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là thoái hóa cột sống.
Đau lưng do thoái hóa cột sống
Nói về vai trò của cột sống, hẳn ai cũng biết tầm quan trọng của nó trong việc nâng đỡ cơ thể con người. Nếu không có khung đỡ cột sống thì chúng ta không thể thực hiện được những động tác đơn giản nhất như: đứng, ngồi, đi lại… Tuy nhiên, cột sống không thể mãi vững chãi, khỏe mạnh và trường tồn với thời gian. Theo thời gian, cột sống phải chịu những ảnh hưởng xấu từ môi trường hay chế độ sinh hoạt, vận động không đúng mà yếu đi, khả năng nâng đỡ cơ thể cũng bị giảm dần. Từ đó, thoái hóa cột sống được hình thành và chủ yếu tấn công ở những người trong độ tuổi trên 35. Đặc biệt, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn.
Đau lưng thường có nguyên nhân do thoái hóa cột sống.
Đối với trường hợp bị đau lưng do thoái hóa cột sống, người bệnh có các biểu hiện như: đau ê ẩm vùng ngang thắt lưng, kèm theo đau nhức chân, tê bì dọc mông xuống cẳng chân và dáng đi không bình thường, vẹo vọ hoặc lưng còng xuống... Đau thường âm ỉ kéo dài, khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, sút cân. Cơn đau còn lan tỏa sang những vùng khác như hông, đùi đến mức người bệnh khó có thể đi lại, di chuyển sang vị trí khác. Đáng lo ngại hơn, thoái hóa cột sống được xem là yếu tố then chốt dẫn tới những bệnh lý khác như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống... Và điều mà nhiều người lo sợ nhất là nguy cơ bị tàn phế vĩnh viễn do chứng bệnh này.
Vậy điều trị thoái hóa cột sống làm sao cho hiệu quả? Đây là mối quan tâm của không chỉ người bệnh mà cả những đối tượng nguy cơ mắc thoái hóa cột sống như: người thường xuyên lao động nặng, nhân viên văn phòng… Hiệu quả trong điều trị cần căn cứ vào từng trường hợp mắc bệnh cụ thể: tình trạng sức khỏe của người bệnh, mức độ thoái hóa nặng hay nhẹ… Nếu chớm bị thoái hóa cột sống hoặc ở mức độ nhẹ thì việc điều trị rất đơn giản, chỉ bao gồm: vận động nhẹ nhàng, tập vật lý trị liệu, ăn uống khoa học, cai rượu, bia… Nặng hơn, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc như: thuốc giảm đau, giãn cơ… nhưng cần lưu ý về tác dụng không mong muốn của những thuốc này khi dùng lâu dài. Bên cạnh đó, biện pháp xoa bóp, bấm huyệt, kéo giãn cột sống… cũng được lựa chọn để cải thiện vận động. Trường hợp xấu nhất đó là khi tình trạng bệnh nặng và có thể gây biến chứng nguy hiểm thì phẫu thuật ngoại khoa sẽ được chỉ định can thiệp.
Theo GiadinhNet