Điểm lại những "chất độc" vẫn ăn vào hàng ngày
Cập nhật ngày: 27/07/2013 02:46:02
Bún bị tẩy trắng, bún thiu "hóa phép" thành bún mới; giò chả chứa phụ gia độc... là những vụ thực phẩm bẩn được phát hiện tại TP HCM và Hà Nội từ đầu năm đến nay.
Bún, phở chứa chất tẩy trắng huỳnh quang
Gây chú ý nhất trong thời gian qua là việc cơ quan chức năng phát hiện bún, phở trên thị trường Tp.HCM có chứa chất làm trắng quang học Tinopal (còn gọi là huỳnh quang). Trong 30 mẫu bún, bánh hỏi, bánh canh, bánh phở, bánh cuốn, bánh ướt... mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (thuộc Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã khảo sát trên thị trường ở TP HCM thì có đến 24 mẫu có chứa chất làm trắng quang học.
Chất huỳnh quang dùng để tẩy trắng bún, phở... có thể gây viêm loét dạ dày,
suy thận và thậm chí là ung thư. Ảnh minh họa.
Đây là một hóa chất gây hại đến đường tiêu hóa, có thể dẫn đến viêm loét dạ dày. Nghiêm trọng hơn, người ăn phải loại bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận và có thể bị ung thư. Bên cạnh đó, đây là một chất dùng trong công nghiệp nên khó tránh khỏi việc chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.
Biến bún ôi, thiu thành bún mới
Cũng liên quan đến bún, đầu tháng 7/2013, các báo đồng loạt đưa tin về việc bún thiu, bún cũ được phù phép để hóa thành bún tươi ngon bằng hóa chất. Theo đó, cơ sở sản xuất bún tươi ở phường 17, quận 8, TP HCM đã thu gom bún ế, bún ôi thiu của các tiểu thương bán không hết đem về tái chế lại. Bún được rửa lại bằng nước, làm ráo rồi cho vào máy quay với bột nguyên liệu mới để tạo ra sợi bún mới. Để loại bỏ mùi hôi đặc trưng của nó, cơ sở này đã sử dụng một loại dung dịch màu trắng trộn vào, không chỉ làm bún trắng mà có mùi thơm ngon hơn. Theo chủ cơ sở thì loại dung dịch này được bán ở chợ Kim Biên, quận 5.
Giò chả dai giòn nhờ phụ gia
Không chỉ có bún tươi, giò chả cũng góp phần vào danh sách các thực phẩm có chứa chất gây hại. Cụ thể, một số cơ sở làm giò chả đã sử dụng loại bột phụ gia màu trắng, có tác dụng giúp giò chả 'dai giòn', đậm đà vị thịt. Loại bột này được bán tràn lan tại các ngôi chợ và trên mạng với mức giá 20.000 đồng cho 100g. Những người bán hàng cho biết tên của phụ gia này là di-tri polyphosphate, được sử dụng trong việc chế biến giò chả, xúc xích, nem... có tác dụng tăng độ kết dính, giữ nước, giảm hao hụt trọng lượng và trên hết là tạo độ giòn, dai. Chỉ cần trộn 3g bột này trên 1kg thịt sẽ cho ra kết quả như ý.
Những cây chả giò giòn, thơm rất hấp dẫn nhưng bên trong chứa rất nhiều phụ gia gây hại. Ảnh minh họa.
Trong quá trình chế biến giò chả, xúc xích, nem... polyphosphate được sử dụng giúp tăng khả năng nhũ hóa, tạo gel kết dính, tạo độ giòn dai không giống hàn the. Tuy nhiên, đây là một chất gây hại với cơ thể nếu sử dụng hàm lượng vượt mức cho phép, nó làm giảm khả năng hấp thu canxi, dẫn đến bệnh loãng xương, nhất là đối với người lớn tuổi.
Hóa chất giúp cơm trắng nở gấp đôi
Với lượng gạo khoảng 10kg, sau khi trộn bột hóa chất và đem nấu, sẽ thu được khoảng 20kg cơm. Chính nhờ sự siêu lợi nhuận này mà một số quán cơm bình dân ở Thủ Đức, TPHCM vô tư thu lợi mà không cần biết độc hại như thế nào. Theo những người bán cơm bình dân, loại bột này có tên là bột nở, đóng trong những gói nhỏ màu hồng với chi chít chữ Trung Quốc bên ngoài, được bán tràn lan tại chợ Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh) với mức giá 8.000 đồng.
Loại bột này có màu hồng, được bán lẫn với các hàng tạp hóa khác. Ảnh minh họa.
Cho dù chưa có kết luận về nguồn gốc loại bột nở, tác hại của nó đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng một lần nữa nó gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất phổ biến ở nước ta.
Trà chanh pha bằng hóa chất
Trong cơn sốt trà chanh của giới trẻ, các quán trà chanh ở Sài Gòn đua nhau mọc lên như nấm, nhanh chóng hình thành các con phố trà chanh như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận); đại lộ Đông Tây (quận 5), Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh).... Chỉ với một ít trà, đá, chanh, đường...là người kinh doanh có thể bán hàng trăm ly một đêm.
Tuy nhiên, ít ai biết được đằng sau những ly trà chanh đó là cả một quá trình chế biến vô cùng độc hại. Không được pha bằng nước chè tươi hay trà khô, trà chanh thực chất được chế biến bằng hương liệu + bột trà + đường hóa học + chất tạo chua... Vào tháng 5/2012, tại Trung Quốc, nơi xuất xứ của những loại hóa chất này, cục quản lý thuốc và thực phẩm Trung Quốc (SFDA) đã yêu cầu dừng sản xuất các loại bột hương liệu này. Lý do là nó có chứa chất DEHP là chất gây giảm khả năng sinh dục nam, rối loạn dậy thì nữ... Bỏ qua những lời cảnh báo đó, các quán trà chanh ở nước ta vẫn vô tư tồn tại mà chưa có một cơ quan chức năng nào lên tiếng.
Trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại
Tại hội thảo Khỏe và an toàn do Viện thực phẩm chức năng Việt Nam tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội. Cơ quan này đã công bố 9 mẫu trà chanh, trà xanh, trà đá, nhân trần, nước ngô, nước mía... được lấy ngẫu nhiên trên các con phố ở Hà Nội đều phát hiện chứa vi khuẩn E.coli, men mốc, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmi vượt xa giới hạn cho phép.
Trà chanh, trà đá, nhân trân... là thức uống vỉa hè phổ biến, tuy nhiên chúng luôn tiềm ẩn
những nguy cơ gây hại cho con người. Ảnh: P.H.
Trong khi đó, tại TP HCM, Chi cục An toàn thực phẩm thành phố cũng phát hiện hàm lượng vi sinh vượt mức cho phép trong thức uống đường phố. Cụ thể, cơ quan này đã kiểm nghiệm và phát hiện 5 mẫu nước mía, 6 mẫu nước sâm, 5 mẫu trà bông cúc chứa vi khuẩn hiếu khí dễ gây bệnh tiêu hóa như khuẩn coliform, E.coli, nấm men, nấm mốc, vượt mức cho phép.
Theo VnExpress