Đừng coi thường bớt da
Cập nhật ngày: 31/05/2012 08:36:36
Bớt da là những vùng da đổi màu xuất hiện trên da trẻ lúc mới sinh hay vài tháng sau sinh. Khoảng 80% trẻ có các loại bớt da. Một số bớt da tồn tại suốt đời, một số phai đi theo thời gian.
Bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Kích thước bớt có thể lớn bằng bàn tay hoặc các đám nhỏ bằng đầu đinh ghim, hạt ngô và vị trí thường ở một bên mặt, quanh mắt, đôi khi cả hai bên mặt hoặc ở các vị trí khác của cơ thể (vai, ngực, cổ, lưng).
Hình ảnh của bệnh là các dát phẳng hoặc gờ cao trên mặt da, màu đen, xanh hoặc tối màu và màu sắc thường cố định, trên một số bớt có thể mọc lông. Triệu chứng cơ năng thường không có gì nhưng đôi khi bệnh nhân có cảm giác ngứa, khó chịu.
Bớt da có 2 loại: Bớt mạch máu (có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, xuất hiện chung một chỗ trên da. Màu sắc có thể hồng, đỏ hay xanh tùy thuộc vào độ sâu của mạch máu); bớt sắc tố (do sự ứ đọng tế bào melanocyte ở lớp bì, có màu xanh, xám hay đen).
Hầu hết bớt là vô hại và phai đi vào những năm đầu tiên của cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như bớt màu rượu vang đỏ gần mắt và má đôi khi kết hợp với rối loạn thị lực như Glaucome (tăng nhãn áp), co giật và chậm phát triển (hội chứng Sturge-Weber); những u máu lớn, phụ thuộc vào vị trí xuất hiện có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống, thị lực, thở; u máu có thể phát triển vào phía trong ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể; một số khác ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Những bớt nằm phía dưới cột sống có thể lan xuống dưới da và ảnh hưởng đến các dây thần kinh và lượng máu đến cột sống; những nhóm gồm 6 đốm cà phê sữa hay nhiều hơn sẽ là dấu hiệu của rối loạn gien, gọi là u xơ thần kinh loại I (NF-1). Trẻ có NF-1 thường có bớt lúc sinh hay lúc 2 tuổi và khoảng 50% người có NF-1 sẽ mất khả năng học hành; những bớt đen lớn xuất hiện lúc sinh sẽ tăng nguy cơ tạo thành hang sau này; những bớt to, có hình dạng xấu xí sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Do đó, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu thấy có bớt.
Một vài trường hợp, chẳng hạn như u máu xuất hiện trên mắt thì cần phải được lấy đi. Nếu bớt có kích thước nhỏ và ở vùng da kín không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay ít bị kích thích chấn thương thì tốt nhất không cần can thiệp gì. Đối với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm cho bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội thì cần điều trị.
Phụ thuộc vào từng loại bớt sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau: sử dụng tuyết carbon, lột da bằng acid trichloracetic, ghép da, vá da sau phẫu thuật cắt bỏ, đốt bằng laser. Đối với các tổn thương có kích thước lớn và ở các vị trí khó phẫu thuật như vùng mắt, mũi thì phương pháp phẫu thuật khó thực hiện. Phương pháp vá da thường có màu sắc không giống với vùng da xung quanh nên cũng không đem lại kết quả như mong đợi.
Hiện nay, chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ thế giới có thể điều trị dứt điểm bớt sắc tố bẩm sinh và không để lại sẹo. Trước đây, bớt rượu vang đỏ cũng không thể điều trị được nhưng hiện nay đã có phương pháp laser nhuộm màu hiệu quả, đặc biệt trên mặt...
Theo NLĐ