Đừng thờ ơ với cánh tay yếu, liệt
Cập nhật ngày: 25/01/2016 04:33:33
Sang chấn nằm ở vùng vai, nách có thể làm… liệt luôn cả cánh tay nếu không may “va chạm” hệ thần kinh phức tạp tại đây
Cú ngã xe khiến ông Ng.T.X (43 tuổi) đập phần vai xuống đường, gây đau dữ dội. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sơ lược, thấy không bị gãy xương và không có vết thương hở, ông chỉ mua thuốc xoa bóp giảm đau rồi về nhà nghỉ ngơi. Sáng hôm sau thức dậy, cơn đau đã giảm nhiều nhưng cánh tay dường như không tuân theo ý muốn của chủ nhân nữa.
Do sang chấn lúc sinh hay tai nạn
Các bác sĩ ở bệnh viện (BV) gần nhà cho ông X. biết rằng ông đã bị tổn thương khá nặng đám rối thần kinh ở cánh tay, gây yếu liệt. Để chữa trị, ông phải trải qua một cuộc phẫu thuật và tập vật lý trị liệu khá lâu.
Một bệnh nhân bị yếu liệt, teo nhỏ cánh tay do sang chấn lúc sinh 16 năm trước được các bác sĩ của Bệnh viện Union - Saint Jean (Pháp) cùng Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM thăm khám
Trong một trường hợp khác, bé T.Q.V (hơn 1 tuổi, ngụ tại Gia Lai) suýt mất vĩnh viễn chức năng của cánh tay trái. Bé ra đời trong một ca sinh khó và đã gặp sang chấn khiến cánh tay trái không thể cử động. Ở vùng quê nghèo khó, ít thông tin, gia đình cứ chờ đợi bé “cứng cáp hơn một chút” rồi tính. Đến khi được đưa vào BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), bé V. đã 26 tháng tuổi, tức đã quá “thời gian vàng” điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trường hợp của V. may mắn vẫn có thể can thiệp phẫu thuật. Sau đó, bé vẫn phải tập vật lý trị liệu trong thời gian khá dài để tay hồi phục dần.
Trong một buổi nói chuyện về chủ đề này tại BV Nhi Đồng 1, BS Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình của BV, cho biết nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp bị liệt đám rối thần kinh cánh tay dẫn đến yếu liệt chi vẫn là do sang chấn lúc sinh.
Vì cuộc sinh khó cũng như phải áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để đưa thai nhi ra, phần vai và cánh tay có thể gặp sang chấn. Nếu không may, một số sợi thần kinh trong “đám rối” phức tạp nơi đây sẽ bị “nhổ rễ”, kéo giãn… Tai nạn này dễ nhận ra từ khi bé 1-2 ngày tuổi, bên tay bị tổn thương sẽ yếu hay không nhúc nhích được.
“Theo các nghiên cứu ở Bắc Mỹ, châu Âu, tỉ lệ bị liệt đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn lúc sinh vào khoảng 0,5-1,5%0. 1% trong số đó phải phẫu thuật, số còn lại sẽ tự phục hồi. Tại Việt Nam chưa có thống kê nhưng qua 5 năm, riêng BV Nhi Đồng 1 đã thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật loại này” - BS Minh cho biết.
Đối với người lớn, theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này vẫn là các tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, lao động… khiến phần vai, khớp cánh tay của nạn nhân bị va đập mạnh.
“Chúng tôi hay gặp nhất là những trường hợp bị ngã xe máy, đập vai xuống đường. Có người gãy xương đòn kèm với tổn thương thần kinh, cũng có người không gãy xương gì cả nhưng cánh tay đột nhiên yếu đi, đó là dấu hiệu rõ ràng của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay” - BS Ánh lưu ý.
Nhập viện trễ, khó chữa
BS Lê Hữu Khánh, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhi Đồng 1, cho biết ông rất tiếc về những trường hợp trẻ nhập viện trễ, quá “thời gian vàng” (3-12 tháng tuổi) nên không thể phẫu thuật nối thần kinh được nữa, đành áp dụng phương án khác nhưng hiệu quả không cao. “Tất cả là vì cách nghĩ của người lớn rằng cứ để cho trẻ cứng cáp một chút rồi đến BV cũng không muộn” - BS Khánh quan ngại.
Nếu được đến BV trong “thời gian vàng”, khả năng thành công có thể lên tới 70-80%. Trẻ 3-12 tháng tuổi có thể được khâu nối, chuyển ghép thần kinh; còn 3-4 tuổi thì thường chỉ chuyển gân, cơ để khắc phục phần nào hậu quả.
“Có khá nhiều phương án chữa trị yếu liệt tay do tổn thương đám rối thần kinh, như chuyển, ghép thần kinh, gân, cơ… ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Hiệu quả thành công của các cuộc phẫu thuật cũng như biện pháp nội khoa, phục hồi chức năng tùy thuộc vào mức độ, dạng chấn thương và cả việc người bị nạn nhập viện sớm hay không” - BS Ánh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: ANH THƯ (NLĐO)