Hợp sức ngăn chặn cúm A/H7N9

Cập nhật ngày: 14/04/2013 08:30:06

Virus cúm A/H7N9 đang rình rập xâm nhập và lây lan vào nước ta. Trong khi đó ở trong nước dịch cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng… Hôm qua 13-4, Bộ Y tế cùng Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Triển khai công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9”…

• H7N9 đe dọa, H5N1 bùng phát

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, lo ngại, đã có trường hợp tử vong đầu tiên do cúm A/H5N1 gây ra là một trẻ ở Đồng Tháp, cùng với việc ghi nhận một số người mắc cúm A/H1N1 và H3N2 tại một số địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 17 xã, phường của 6 tỉnh là Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang, Tiền Giang, Ninh Thuận làm trên 33.000 gia cầm, chim mắc bệnh, chết hoặc phải tiêu hủy. Nguy hiểm hơn, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện virus cúm A/H5N1 xuất hiện trên đàn chim yến được nuôi ở Ninh Thuận khiến nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát mạnh mẽ và lan rộng trên gia cầm và trên người.

Một vấn đề khiến nhiều chuyên gia quan ngại là virus cúm H7N9 có nguồn lây chưa rõ ràng. Nếu như cúm A/H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm sau đó mới phát hiện ở người, ngược lại cúm H7N9 phát hiện đầu tiên ở người và chưa có bằng chứng chứng minh chủng cúm này không khả năng lây nhiễm từ người sang người.

• Phối hợp chặt chẽ phòng chống

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia trong khu vực để nắm chắc tình hình. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ, kế hoạch giám sát, phòng chống virus cúm A/H7N9 gồm 2 hoạt động chính.
Thứ nhất là rà soát để đánh giá xem virus này đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa. Việc này được thực hiện thông qua xét nghiệm lại khoảng 500 mẫu (mẫu dương tính với cúm A) đã lấy trước đây hiện đang được lưu trữ.

Thứ hai là tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ngay khi virus xâm nhập vào Việt Nam. Chủ động lấy mẫu xét nghiệm H7N9 từ các đối tượng gia cầm có nguy cơ, gồm gà đẻ thải loại, gà con giống, heo và chim bồ câu… được bán tại các chợ, các điểm tập kết trung chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương khu vực biên giới trên đường vận chuyển và nơi tiêu thụ.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, Bộ NN-PTNT đã mua dự phòng 40 triệu liều vaccine cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh thành chủ động sử dụng ngân sách dự phòng địa phương mua vaccine hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Tuần tới, Cục Thú y sẽ thực hiện xét nghiệm xác định virus cúm A/H5N1, H7 và H7N9 trong các mẫu lưu trữ tại Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, các mẫu chim yến ở Ninh Thuận và chim trĩ ở Tiền Giang (chim yến và chim trĩ chết tại 2 địa phương này có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1). Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các loại gia cầm, chim nuôi, chim cảnh vận chuyển bất hợp pháp vào Việt Nam tiêu thụ để xét nghiệm chủng cúm H7 và H7N9.

Cùng với đó, cơ quan thú y phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và gia súc, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới, ngăn chặn các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường.

Theo SGGP



 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn