Hủ tiếu Sa Đéc chính hiệu ở Sài Gòn

Cập nhật ngày: 13/09/2013 15:39:23

Một người con của tiệm hủ tiếu lâu đời nhất ở Sa Đéc đã lên Sài Gòn lập nghiệp với món hủ tiếu gia truyền hơn 100 năm tuổi.


Hủ tiếu Sa Đéc ăn khô tuyệt ngon

Ai đã trót mê sợi hủ tiếu của Sa Đéc của quê hương Đồng Tháp thì về Sài Gòn phải tìm ăn bằng được cho đỡ thèm. Tuy nhiên, tìm được tiệm hủ tiếu "chính hiệu" không hề dễ dàng, vì không phải ai cũng kỳ công mang hủ tiếu tươi Sa Đéc lên Sài Gòn mỗi ngày.

Anh Lưu Quang, người mang nghề hủ tiếu nổi tiếng của gia đình ở Sa Đéc lên Sài Gòn cho biết, ông nội anh là Lưu Dầu từ Trung Hoa sang, là một trong những người mở tiệm hủ tiếu sớm nhất ở Sa Đéc có tên là Dầu Ký, cách đây khoảng 100 năm.

Ba của anh là Lưu Chí, nối nghiệp ông nội với quán hủ tiếu tên là Chí Ký mà người Sa Đéc ai cũng biết, vì chỉ có vài tiệm hủ tiếu nổi danh ở nơi này.

Anh Quang lên Sài Gòn mở tiệm hủ tiếu Quang Ký với hy vọng chinh phục thực khách Sài Gòn, với cọng hủ tiếu không có nơi nào làm giống được.

Hủ tiếu tươi phải lấy từ lò của dì Tư Muội ngon nổi tiếng và đã có tuổi đời khoảng 70 năm. Hủ tiếu Sa Đéc nổi tiếng không vì cách nấu, mà ở vị ngon đặc biệt của sợi hủ tiếu. Cũng có tôm, thịt, gan, cật heo, nước dùng xương như hủ tiếu Nam Vang hay Mỹ Tho nhưng sự khác biệt nằm ở cách làm ra sợi hủ tiếu.

Những người am hiểu về nghề làm bột Sa Đéc cho biết, bột gạo làm ra sợi hủ tiếu Sa Đéc mềm mại, vừa trắng vừa dai, ăn hết tô hủ tiếu vẫn không bị bở là do làm từ nước sông Tiền có độ pH trung tính rất lý tưởng (pH=7). Đi ra khỏi vùng Sa Đéc này khoảng chừng mười cây số thôi là làm bột không ngon bằng. Bởi vậy, sợi hủ tiếu phải được làm tại chỗ rồi mang đi mới ngon. Nhiều người về Sa Đéc phải mua trên chục ký hủ tiếu tươi mang về Sài Gòn ăn cho đã thèm.

Hủ tiếu tươi Sa Đéc mang lên Sài Gòn để trong tủ lạnh được chừng hai ngày ăn vẫn ngon. Anh Quang cho biết, đúng là nghề nấu hủ tiếu được mang từ Trung Hoa qua Việt Nam, có biến đổi cho phù hợp khẩu vị người Việt. Nhưng cách làm ra sợi hủ tiếu ngon của Sa Đéc là nghề do người Việt nghĩ ra. Còn người Hoa chỉ giỏi làm món mì. Tại quán hủ tiếu của anh Quang, khách tới ăn có thể xem toàn bộ quy trình sản xuất mì tươi thủ công ngay tại quán.

Hủ tiếu khô Sa Đéc ở tiệm Quang ký được giữ nguyên bản như ở quê hương, chỉ khác biệt là giảm đường vì người Sa Đéc ăn rất ngọt. Dĩa hủ tiếu khô này rất hấp dẫn vì có đầy đủ tôm, thịt, gan heo, mực, cật, giá, hẹ, rau xà lách, đặc biệt phải có nước xốt rưới lên mới đúng vị.

Hủ tiếu nước cũng ngần đó nhân, rưới thêm nước dùng trong với những nguyên liệu hầm xương mà chủ quán không thể tiết lộ. Sợi hủ tiếu ở đây to hơn các tiệm khác, làm từ bột gạo đã được lọc vài lần, vì thế vẫn thơm mùi gạo và dai dai.

Hủ tiếu Nam Vang dường như chiếm vị trí độc tôn trong các dòng hủ tiếu hiện ở Sài Gòn. Nhưng nếu có dịp thưởng thức qua món hủ tiếu Sa Đéc, bạn sẽ thấy rằng loại hủ tiếu này ngon chẳng kém cạnh, riêng về sợi hủ tiếu thì ngon hơn hẳn một bậc. Rất xứng đáng để biết tới món ăn xuất xứ từ một góc tuyệt đẹp của miền Tây.

Giang Vũ/Thanh Niên

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn