Khỏe đón tân niên
Cập nhật ngày: 29/01/2014 05:24:50
Vui khỏe để tận hưởng một mùa xuân an lành, hạnh phúc là điều tất cả mọi người đều mong muốn, nhất là đối với người đang có sẵn những căn bệnh mạn tính trong người.
Mùa xuân, một số căn bệnh có chiều hướng gia tăng do thời tiết thay đổi hoặc làm bệnh tình trở nên nặng mà người bệnh và người thân cần lưu ý.
Mấy ngày Tết, nên bổ sung rau củ trong thực đơn của gia đình để phòng bệnh
Dinh dưỡng hợp lý
Với bệnh tim mạch, tăng huyết áp: Tránh thực phẩm có chứa nhiều muối dưa kiệu, dưa hành, dưa món, lạp xưởng, giò lụa, thịt nấu đông, tai heo ngâm nước mắm; thực phẩm chứa nhiều béo như mỡ gà, heo, bò, da gà, da heo, đồ lòng, phủ tạng; thức uống có chất kích thích như cà-phê, bia, rượu, nước ngọt hoặc các nước ép trái cây có gas. Không ăn quá no, không vui quá chén. Ăn thực phẩm tươi, nhất là các loại rau quả, nên chế biến kiểu luộc, nấu canh hay kho lạt là tốt nhất. Chuẩn bị sẵn hai phần cá trong tuần để xen kẽ thực đơn.
Bệnh đái tháo đường: Nên ăn đúng giờ, tránh bỏ bữa, chỉ ăn vừa đủ thực phẩm giàu tinh bột bằng với khẩu phần ngày thường, ví dụ, nếu mỗi bữa ăn 1 chén cơm có thể thay bằng 6 cái bánh tráng cuốn thịt kho, hoặc 1/8 góc bánh chưng loại một ký. Cần ăn nhiều loại rau khác nhau để đủ lượng chất xơ, làm chậm hấp thu đường vào máu. Tránh các loại bánh ngọt, kẹo, mứt, nước ngọt và các thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo động vật, hạn chế các loại bia rượu. Nếu có uống bia nên pha loãng bằng nước suối hay nước đá, không dùng quá một lon/lần, không quá 2 lần/ tuần.
Bệnh trĩ: ít nhất phải ăn 400g rau các loại và 200-250g trái cây mỗi ngày mới đủ. Nhớ uống đủ nước, tránh ngồi xem tivi hay tán gẫu suốt ngày.
Bệnh gút: Để phòng xảy ra cơn gút cấp, nên ăn vừa phải các thịt gia cầm, thịt heo, bò, nai, các loại phủ tạng, cá hồi, trứng cá, các loại hải sản, măng, nấm, cải bó xôi. Đặc biệt các thức uống rượu bia, nước ngọt không nên lạm dụng quá.
Loãng xương: Chỉ ăn vừa đủ với khẩu phần đã ăn hàng ngày, hạn chế các món béo ngọt. Vẫn duy trì chế độ bổ sung can-xi như các viên thuốc can-xi hoặc sữa giàu can-xi, giữ chế độ tập luyện mỗi ngày ít nhất cũng đạt 30-45 phút. Điều lưu ý, nên thận trọng trong các sinh hoạt để tránh bị va vấp hay té ngã.
Bệnh suyễn: Người bệnh có cơ địa dị ứng nên kiêng cá biển, tôm, cua nhộng, trứng hoặc thực phẩm đã từng bị dị ứng hay nổi mề đay khi ăn.
Cẩn thận trong sinh hoạt
Suy giãn tĩnh mạch
Người bệnh nên thay đổi chế độ sinh hoạt, hạn chế các yếu tố nguy cơ bằng cách duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, tăng cường vận động chân như đi lại, lên xuống cầu thang. Trong trường hợp phải di chuyển bằng ô tô, máy bay nên chọn quần rộng rãi và giày thấp để thoải mái di chuyển, cử động. Đừng quên x bóp, co duỗi chân thường xuyên để máu lưu thông.
Phương pháp sử dụng vớ y khoa cũng giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng mỏi, tê rần, phù nề…
Chàm
Chàm thể tạng hay chàm tiếp xúc đều có xu hướng kỵ mùa Xuân do thời tiết khô lạnh và nhiều nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên hơn. Các trang sức như: nhẫn, dây chuyền, khuyên tai, lắc tay chân, đồng hồ và những loại mỹ phẩm như chì kẻ mắt, phấn, son, masscara, nước hoa hoặc những thứ làm đẹp khác như nước hoa, keo xịt tóc cũng có thể làm da “khó ở”… Nếu đi du lịch nên mang theo những thứ như kem chống nắng, sữa tắm, xà bông, kem cạo râu, kem dưỡng thể… đã dùng quen ở nhà để tránh dùng tạm loại khác có thể da không thấy “hợp”.
Vẫn có những trường hợp người bệnh dị ứng với một số loại thực phẩm như ớt, tiêu, dứa, đậu xanh, đậu phộng, các loại hải sản…
Để đối phó với tình trạng này, bạn nên biết và tránh các loại đồ vật, chất liệu, thực phẩm gây dị ứng. Nếu lỡ chạm phải, cần thoa lotion để “xoa dịu” cơn óng giận” của da. Sau đó thoa thêm cortibion và uống thêm thuốc kháng histamine dưới sự chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn không may bị viêm da ở cấp độ nặng, điều đầu tiên phải làm là ngâm nước đủ lâu để loại bỏ hết chất gây dị ứng và đến các chuyên khoa da liễu để các bác sĩ điều trị...
Hen suyễn
Vào dịp lễ Tết, bệnh nhân hay chủ quan trước những yếu tố kích cơn tình trạng viêm, khó thở, ho và khò khè, nếu không xử lý kịp thời có thể tử vong.
Khi dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, nhiều người dễ lên cơn co thắt vì phải tiếp xúc với bụi, mạt và các loại hóa chất tẩy rửa. Bên cạnh đó, không khí vui vẻ, hồ hởi đón Tết của mọi người trong gia đình thường khiến người bị hen suyễn quên mất bệnh tình mà làm việc quá sức dẫn đến tình trạng mệt mỏi, thở dồn làm khởi phát cơn ho hen.
Phấn hoa cũng là một nguyên nhân làm tình trạng bệnh nặng hơn. Tốt nhất bệnh nhân đành phải nói không với thú vui đi chợ hoa ngày Tết hoặc thăm quan đường hoa. Không chỉ thế, những người thân trong gia đình ý vì phấn hoa có quần áo, theo về nhà và có khả năng làm hại đến người bệnh. Tương tự việc cúng bái, lên chùa cũng nên cân nhắc kỹ vìkhói nhang dễ làm khởi phát cơn hen suyễn.
Đặc biệt, thuốc xịt đối với người mắc bệnh hen suyễn là vật bất ly thân. Dù thói quen ăn uống, sinh hoạt trong những ngày Tết có thể xáo trộn nhưng đừng quên uống thuốc đúng giờ. Ở nhà nên có một chỗ riêng biệt để thuốc và người thân trong gia đình cũng biết.
Nguyên tắc chăm sóc bệnh mạn tính vào dịp Tết
- Trước Tết, nên tái khám để được bác sĩ kiểm tra lại tình trạng bệnh, chỉ định thuốc.
- Không quên uống thuốc đều đặn vì lịch sinh hoạt trong dịp này bị xáo trộn và phải nhớ mang thuốc cũng như các hỗ trợ điều trị khác khi đi ra ngoài (du lịch, thăm họ hàng).
- Thông báo cho mọi người biết về tình trạng bệnh của mình để mọi người thông cảm hoặc biết cách xử trí kịp thời. |
Theo GiadinhNet -