Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Cập nhật ngày: 22/08/2012 14:16:19
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Khoa học đã chứng minh việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh và tiếp tục cho con bú đến 2 tuổi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, bà mẹ và gia đình. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở tỉnh ta còn thấp, chỉ 2% (cả nước là 20%), tỷ lệ trẻ được tiếp tục bú mẹ cho đến 2 tuổi là 21% (cả nước là 22%) (theo nguồn: Giám sát dinh dưỡng năm 2010 - Viện Dinh Dưỡng).
Trẻ cần được bú sớm trong vòng 1 ngày sau sinh
Nói về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng khoa Chăm sóc Sức khỏe trẻ em - Phòng chống Suy dinh dưỡng - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sữa mẹ là chất dinh dưỡng hoàn hảo, dễ hấp thu. Trẻ bú mẹ sẽ lớn nhanh, ít có nguy cơ suy dinh dưỡng vì trong sữa mẹ có nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bú mẹ sẽ ít mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi và các bệnh khác hơn trẻ được nuôi bằng sữa nhân tạo. Nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp gắn bó tình cảm của mẹ con, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ. Cụ thể: cho trẻ bú ngay sau đẻ làm co hồi tử cung của bà mẹ tốt, đỡ mất máu sau đẻ; bà mẹ chậm có kinh trở lại sau khi sinh nên chậm có thai; bà mẹ ít bị mắc bệnh ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nuôi con bằng sữa mẹ còn rất thuận tiện và tiết kiệm vì bà mẹ không tốn tiền mua sữa, không tốn thời gian và công sức để chuẩn bị sữa cho trẻ ăn.
Sữa mẹ được bài tiết trong vài ngày đầu được gọi là sữa non. Sữa non đặc sánh, màu vàng nhạt, chứa nhiều chất chống nhiễm khuẩn để bảo vệ cơ thể: như chứa nhiều vitamin A làm giảm nhiễm khuẩn nặng và phòng các bệnh về mắt. Sữa non còn có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân xu, ngăn chặn vàng da. Sữa non giúp cho hệ thống tiêu hóa của trẻ phát triển nhanh sau khi sinh, phòng chống dị ứng và không dung nạp với các thức ăn khác.
Sau đẻ vài ngày, sữa mẹ sản xuất ra nhiều hơn. Sữa đầu là sữa được sản xuất vào đầu bữa bú, số lượng nhiều, sữa đầu có nhiều nước, protein và đường. Trẻ bú mẹ chủ yếu nhận được đủ nước khi bú sữa đầu nên không cần uống thêm nước ngay cả khi trời nóng nực. Sữa cuối trông đặc hơn vì có nhiều chất béo. Chất béo cung cấp năng lượng cho bữa bú, nên phải cho trẻ bú kiệt hết một bên vú rồi mới chuyển sang vú bên kia để trẻ nhận được đầy đủ lượng chất béo cần thiết. Trong sữa mẹ có một yếu tố phụ được gọi là chất ức chế tạo sữa. Khi một lượng sữa lớn đọng trong vú, chất ức chế sẽ tiết ra làm cho vú ngừng tạo sữa. Vì vậy, muốn vú tạo nhiều sữa thì phải tạo cho vú luôn rỗng bằng cách cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa ra.
Về việc nuôi con bằng sữa mẹ, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị: Bà mẹ cần cho trẻ bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau đẻ để tận dụng sữa non, kích thích sữa non xuống sớm và co hồi tử cung cho mẹ; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng; cho trẻ bú theo yêu cầu của trẻ (không hạn chế thời gian và độ dài của mỗi bữa bú); nếu trẻ ốm không bú được thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc bằng cốc.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, để cho trẻ bú đúng, có hiệu quả, tùy điều kiện, mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn. Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng, cơ thể trẻ sát với cơ thể mẹ, có thể phải đỡ mông trẻ (nếu là trẻ sơ sinh). Trong khi cho con bú bà mẹ không nên dùng các ngón tay đỡ vú sát với quầng vú quá. Trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, có thời gian để nghỉ ngơi, lao động vừa phải. Bà mẹ cần được ăn nhiều hơn bình thường, ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng trong 4 nhóm thực phẩm: đường bột, đạm béo, vitamin và khoáng chất, không kiêng khem quá mức. Nên hạn chế thức ăn có nhiều gia vị, không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Để tạo sữa tốt , bà mẹ cần uống nhiều nước: 2 lít đến 2,5 lít nước/ngày...
TS