Món ăn cho bệnh tiểu đường
Cập nhật ngày: 30/06/2013 14:41:37
Tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, ngày nay có xu hướng tăng trong cộng đồng ở nước ta với triệu chứng điển hình là “tứ đa”, nghĩa là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhanh. Lượng đường trong máu và nước tiểu tăng cao. Bệnh này thường gặp ở người trung niên trở lên, nam giới mắc nhiều hơn nữ.
Nấm rơm và các loại nấm tốt cho người bị bệnh tiểu đường|
Ảnh: TRẦN THANH
Nguyên nhân theo đông y là do ăn uống nhiều đồ béo, ngọt, do sang chấn tinh thần tạo thành hỏa nhiệt, uất nhiệt làm phần âm của các phủ tạng tâm, vị, thận bị hao tổn, hỏa làm phế âm hư gây chứng khát; vị âm hư gây đói nhiều người gầy; thận âm hư không tàng trữ tinh hoa của ngũ cốc, gây tiểu tiện ra chất đường. Mặt khác, hỏa nhiệt làm huyết bị cô đặc sinh ra huyết ứ, sinh phong, hợp với nhiệt gây ra các biến chứng như chân tay đau nhức, rát bỏng, ngứa ngáy, mụn nhọt lở loét... nên khi điều trị nên kiêm dùng các thuốc hoạt huyết.
Dưới đây xin giới thiệu những món ăn thuốc có công năng hỗ trợ hoặc trị liệu được bệnh tiểu đường, tùy theo chứng bệnh mà sử dụng cho phù hợp.
- Món thịt thỏ khoai mài: Có công năng ích khí dưỡng âm, chỉ khát, thích hợp với chứng tiểu đường miệng khát, gầy yếu. Dùng thỏ 1 con, khoai mài 100 g. Làm thịt thỏ bỏ nội tạng, móng, rửa sạch cắt miếng rồi cho khoai mài hầm nhừ, ăn khi còn nóng.
- Món canh thịt thỏ: Có công năng dưỡng âm, chỉ khát, dùng cho người tiểu đường miệng khô, hay khát uống nhiều nước, tiểu nhiều, gầy ốm. Dùng nửa con thỏ, gia vị vừa đủ. Thỏ làm sạch, bỏ da, móng và nội tạng, cắt miếng. Cho vào nồi đổ nước vừa đủ nấu chín, nêm gia vị, ăn thịt, uống nước canh.
- Món bồ câu mộc nhĩ: Có công năng tư âm nhuận táo, hợp với chứng tiểu đường miệng khát uống nhiều nước. Dùng chim câu trắng, mộc nhĩ 15 g. Thịt chim bỏ nội tạng, nấu chín, cho mộc nhĩ vào, nêm đủ gia vị, ăn khi còn nóng.
- Bồ câu hầm khoai mài: Có công năng tư âm chỉ khát, hợp với người mắc chứng tiểu đường âm hư. Dùng bồ câu trắng 1 con, khoai mài 30 g, ngọc trúc 20 g. Thịt chim bỏ nội tạng, cho khoai mài, ngọc trúc vào cùng hầm. Uống nước ăn thịt khi còn nóng.
- Thịt heo nấu râu bắp, thiên hoa phấn: Có công năng tư âm, nhuận táo, thanh nhiệt, chỉ khát. Hợp với chứng tiểu đường âm hư táo nhiệt. Dùng nước hầm thịt heo đến chín, cho râu bắp và bột thiên hoa phấn vào, hạ lửa nhỏ riu riu thành canh, ăn khi còn nóng.
- Canh lá lách heo, hải sâm: Có công năng tư âm thanh nhiệt nhuận táo. Hợp với người tiểu đường âm hư, táo nhiệt. Dùng lá lách heo một bộ, hải sâm 5 g, trứng gà 1 quả, tương dầu, gia vị vừa đủ. Cắt hải sâm thành miếng, hầm với lá lách heo cho chín rục, đập trứng gà vào, nêm tương dầu vừa đủ. Ăn khi nóng.
- Cháo bí đao: Có công năng kiện tỳ, lợi tiểu hợp với chứng tiểu đường kèm béo phì, tỳ hư, thấp thịnh. Bí đao tươi 70 g, gạo dẻo 20 g. Bí đao rửa sạch cắt miếng cho cùng gạo nấu thành cháo, ăn nóng, có thể ăn vào buổi sáng hay chiều.
- Trà ô mai: Có công hiệu dưỡng âm chỉ khát, hợp với người tiểu đường tiêu khát khô miệng. Dùng ô mai 15 g, hãm ô mai trong nước sôi uống thay trà, ngày 1 thang.
- Món nhộng tằm xào dầu: Có tác dụng làm giảm đường huyết, hợp với mọi bệnh tiểu đường. Dùng nhộng tằm 20 con, dầu thực vật vừa đủ. Rửa sạch nhộng tằm cho vào dầu thực vật xào chín, ăn tùy ý, mỗi lần có thể ăn 20 con, hoặc có thể nấu với nước thành canh để uống.
- Sò biển luộc: Có tác dụng giảm đường huyết, hợp với mọi chứng tiểu đường. Sò biển lượng vừa đủ trong một bữa ăn. Ngâm sò biển trong nước một đêm cho sạch. Luộc chín, bỏ vỏ lấy thịt, ăn khi còn nóng.
- Món ốc nóng: Có tác dụng giảm đường huyết, hợp với mọi chứng tiểu đường. Ốc đồng sống lượng vừa đủ ăn trong một bữa. Ngâm ốc trong nước vo gạo một đêm, bỏ vỏ lấy thịt cho vào nước luộc chín rồi uống nước ăn thịt ốc khi còn nóng.
- Cháo ốc đồng: Có tác dụng giảm đường huyết, hợp với mọi chứng tiểu đường. Ốc đồng lượng vừa đủ, gạo nếp lứt một vơi chén, gia vị vừa đủ. Nấu gạo nếp lứt thành chào nhừ rồi cho thịt ốc vào nấu chín, ăn nóng.
- Canh cá thu: Có tác dụng giảm đường huyết, trong lá lách con cá thu có chứa nhiều insuline hợp với mọi chứng tiểu đường. Cá thu 1 con, hành, tiêu, gừng vừa đủ. Làm sạch cá, nấu canh nêm đủ gia vị uống nước, ăn khi nóng.
- Cá giếc chưng trà xanh: Có tác dụng giảm đường huyết, hợp với mọi chứng tiểu đường. Cá giếc chừng 500 g, trà xanh 100 g. Làm sạch cá, mổ bỏ ruột, cho trà xanh vào bụng cá đem chưng, không nêm muối, ăn nóng mỗi ngày 1 lần.
- Canh nấm: Có tác dụng giảm đường huyết, hợp với mọi chứng tiểu đường. Nấm một lượng vừa phải (có thể dùng các loại nấm ăn), sau đó nấu thành canh mà ăn.
Theo NLĐ