Mùa lạnh, lo bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Cập nhật ngày: 03/12/2013 05:00:09
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe người bệnh, là một trong những bệnh gây tàn phế (suy hô hấp) và có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng mùa lạnh, bệnh rất dễ xuất hiện, tuy vậy, có thể phòng ngừa để hạn chế sự có mặt của nó.
Đâu là nguyên nhân?
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng bệnh lý xảy ra ở phổi, làm tắc nghẽn lưu lượng khí thở ra thường xuyên, ngày một nặng thêm và khó hồi phục. Nguyên nhân gây bệnh COPD chủ yếu là do hút thuốc lá (có khoảng 5 người nghiện thuốc lá thì sẽ có 1 người mắc COPD) và có khoảng 80 - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá. Bên cạnh đó, các chất kích thích khác có thể gây COPD bao gồm cả khói xì gà, khói thuốc lào, khói của nhà máy, ô nhiễm không khí và khói hóa chất. Một số bệnh về phổi mạn tính kéo dài như viêm phế quản mạn tính (làm tăng sản xuất chất nhờn và có thể thu hẹp các ống phế quản), giãn phế quản, giãn phế nang, hen suyễn (gây co thắt của sợi cơ trong lớp màng của đường hô hấp: co thắt phế quản) cũng gây nên COPD. Một số trường hợp trào ngược dạ dày thực quản làm gia tăng thêm bệnh COPD hoặc tạo điều kiện cho COPD xuất hiện. Một số trường hợp hít phải khói thuốc một cách thường xuyên do người khác trong gia đình hút thuốc, một số trường hợp do nghề nghiệp tiếp xúc với bụi hoặc hóa chất thường xuyên gây kích ứng, viêm phổi, gây ứ đọng dẫn đến COPD.
Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân.
Không nên chủ quan với biểu hiện của bệnh
Triệu chứng của COPD phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, vì vậy, bệnh nhân thường cho rằng đây là chuyện không đáng quan tâm cho nên càng ngày bệnh càng nặng dần. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè và có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khó thở lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở và đôi khi phải dùng mặt nạ để thở ôxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều (đờm) làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn do thiếu dưỡng khí. Một người bệnh được chẩn đoán là COPD khi có biểu hiện ho, khạc đờm trên 3 tháng trong 1 năm và biểu hiện liên tiếp như vậy trong vòng 2 năm trở lên; đồng thời khó thở càng ngày càng tăng. Bệnh nhân thường phải gắng sức để thở hoặc thở hổn hển. COPD dễ nhầm với hen suyễn. Phân biệt bằng cách: Bệnh hen suyễn sẽ lên cơn hen cấp tính mỗi khi gặp phải chất gây dị ứng (dị ứng nguyên) hoặc chất kích thích, trong khi đó, COPD không nhất thiết như vậy. Tuy vậy, bệnh hen suyễn dẫn đến suy hô hấp chậm hơn COPD. Với bệnh COPD mà khi đã có ho nhiều, khó thở nặng và tăng tiết chất nhày nhiều thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Điều trị và phòng bệnh thế nào?
COPD là một bệnh trường diễn, vì vậy, việc điều trị gặp không ít khó khăn. Các thuốc corticosteroid có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn cấp tính rất hiệu nghiệm nhưng lại tác dụng hạn chế trong COPD giai đoạn ổn định. Trong khi đó, thuốc anticholinnergic dạng bơm đem lại hiệu quả khá cao trong COPD. Nhiều tác giả khuyến nghị nên dùng các thuốc anticholinergic là thuốc điều trị duy trì đối với COPD và khi bệnh tiến triển xấu, cần kết hợp với các thuốc chủ vận bêta hoặc một số thuốc khác. Khi bệnh tái phát nặng thì nên dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn (nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn) từ 10 - 14 ngày, đồng thời dùng thuốc giãn phế quản (atrovent, diaphylin) khí dung hoặc uống hay tiêm theo chỉ định của bác sĩ điều trị và thuốc long đờm. Trong trường hợp cần thiết và có điều kiện, nên cho thở ôxy.
BS. Việt Bắc(SK&ĐS)