Nặng lòng gánh hàng rong

Cập nhật ngày: 28/01/2013 05:26:24

Mặc dù Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố bắt đầu có hiệu lực hơn 1 tuần, nhưng tại Đồng Tháp việc thực hiện quy định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ý thức người bán

Cũng giống như nhiều nơi, tại Đồng Tháp việc kinh doanh vỉa hè đã trở thành kế mưu sinh quen thuộc của nhiều gia đình. Tại vỉa hè, có thể dễ dàng tìm được các loại thực phẩm như: phở, hủ tiếu, bánh canh đến cả những thức ăn còn sống... và người ta gọi nôm na đó là thức ăn đường phố. Dù nhếch nhác nhưng lại rất thu hút khách.


Thức ăn đường phố ở nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Dạo một vòng quanh thành phố Cao Lãnh trong buổi sáng ngày 25/1, rất dễ bắt gặp các loại thức ăn được bày bán “lộ thiên”, hứng chịu nhiều bụi bẩn. Tại một góc chợ Cao Lãnh, điểm bán các loại bánh tằm, bánh ướt, bún thịt nướng và bánh các loại của chị D. có rất nhiều người đến mua. Để nhanh, tiện lợi, chị D. dùng đôi tay trần bóc thức ăn bỏ vào bọc cho khách.

Khi được hỏi những quy định về điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố, chị D. cười tươi cho biết: “Vừa rồi được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) có biết phải dùng găng tay và dụng cụ gắp thức ăn, nhưng để tay trần như vậy làm cho nhanh, đeo găng tay vướng bận chịu không được”. Không có tủ kính và dụng cụ đậy nên ruồi nhặng đậu vào thức ăn, chị D. phải liên tục dùng giẻ quơ qua quơ lại.

Theo Thông tư 30 thì quầy hàng của chị D. đã vi phạm các quy định: người bán không đeo găng tay, thức ăn chế biến chín không được che đậy kỹ lưỡng... Căn cứ mức phạt tại quy định tại Điều 21 của Nghị định số 91/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP thì chị D. sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Cạnh nơi bày biện hàng của chị D. là nơi bán hàng các loại của chị N.H.M. nhà ở phường 3, thành phố Cao Lãnh. Chị M. cho biết, có nghe loáng thoáng quy định về điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố của Bộ Y tế, bản thân chị rất đồng tình thực hiện nhưng ngành chức năng cần hướng dẫn cụ thể để mọi người chấp hành, vì đảm bảo vệ sinh ATTP là bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Dù đã có hiệu lực gần 1 tuần nhưng có rất nhiều người còn rất mơ hồ về quy định của Thông tư 30. Bà Nguyễn Thị Năm - người bán hàng rong lâu năm ở Khu liên hợp thể dục thể thao nói: “Tôi chưa nắm rõ quy định đó lắm. Tôi cũng mong muốn các ngành chức năng phổ biến rộng rãi để tôi thực hiện”.

Thực hiện khó, xử lý càng khó hơn

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 7.400 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó chiếm số lượng lớn là cơ sở thức ăn đường phố. Thị xã SaĐéc có tổng cộng 846 cơ sở thức ăn đường phố. Để việc buôn bán thức ăn nói chung và thức ăn đường phố nói riêng họp vệ sinh và đúng theo quy định của pháp luật, hằng năm Trung tâm Y tế thị xã đều thực hiện rất tốt công tác tập huấn kiến thức cho người kinh doanh.

Trong năm 2012, thống kê của Trung tâm có đến 87,6% chủ cơ sở thức ăn đường phố được tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe cho 88,7% chủ cơ sở. Tuy nhiên, thực hiện các quy định trong Thông tư 30 của Bộ Y tế, đến nay theo số liệu của Trung tâm trên toàn thị xã chỉ có 2 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Theo chị Lê Hồng Nhung, Phó Khoa ATTP - Trung tâm Y tế thị xã Sa Đéc thì việc thực hiện Thông tư 30, một số người bán thức ăn đường phố rất khó thực hiện việc khám sức khỏe vì số tiền hơn 100 ngàn đồng/lần khám sức khỏe đối với những người buôn bán hàng rong là khoản chi phí lớn, ngoài ra việc trang bị bảo hộ (tạp giề) của cơ sở thức ăn đường phố rất khó thực hiện.

Thông tư 30 quy định: Người bán thức ăn đường phố phải tham gia tập huấn về VSATTP và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về VSATTP; phải dùng găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thực phẩm; các phương tiện kinh doanh thực phẩm ăn ngay đối với hàng bán rong phải có khoang riêng chứa thực phẩm chín, bảo đảm chống được bụi bẩn, côn trùng... Về những điều này, hầu hết các quầy hàng rong đều không đáp ứng được.

Ngoài ra, Thông tư này còn quy định người đang mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, không được tham gia kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, khách hàng cũng rất khó kiểm tra được người nấu thức ăn cho mình có mắc bệnh truyền nhiễm hay không. Do đó có những điều theo quy định của Thông tư 30 rất khó để người dân thực hiện và khó hơn cho ngành chức năng quản lý.

Ông Phạm Văn Phước - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp cho biết: “Để đảm bảo sức khỏe cho người dân cần thiết là phải ban hành Thông tư 30. Tuy nhiên, khi thực hiện thì gặp nhiều khó khăn, khó khăn thứ nhất là việc mưu sinh của bà con, thứ hai là những người bán hàng rong khó chấp hành tốt những điều kiện đảm bảo ATTP. Nếu mà xử lý thì theo Nghị định 91 mức xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, trong khi gánh hàng rong của nhiều người chỉ trị giá vài trăm ngàn thì công tác chế tài, xử phạt sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn