Nhận biết trẻ mắc sởi, cách nào?
Cập nhật ngày: 23/02/2014 04:53:42
Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sởi phải nhập viện, từ 10 trường hợp trong tháng 1, đến thời điểm này đã lên đến hơn 150 ca. Đáng lo ngại là nhiều bệnh nhi có biến chứng viêm phổi nặng, thậm chí tử vong song lại có thể bệnh không điển hình về đặc điểm bệnh.
Năm 2009, dịch sởi bùng phát trên cả nước với hơn 7.500 ca bệnh được ghi nhận. Hiện tại, trong những tháng đầu năm 2014, sau 5 năm, dịch sởi cũng đã quay trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp. Số lượng trẻ nhập viện vì các biến chứng do sởi ngày càng tăng ở tất cả các bệnh viện Nhi trong cả nước. Tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, khoảng 1 tuần trở lại đây, có ngày khoa tiếp nhận tới 15-20 trẻ bị sởi, phát ban dạng sởi đến khám. Tương tự, tại khoa Truyền Nhiễm, bệnh viện Nhi Trung Ương đã có hơn 150 ca nhập viện do sởi có biến chứng nặng. Trong tổng số hơn 100 bệnh nhân nằm tại khoa thì có đến hơn 50% là trẻ mắc sởi, có 4-5 trường hợp tử vong do viêm phổi.
Điểm đặc biệt trong đợt dịch này là rất nhiều trường hợp không điển hình và có những diễn biến nặng do viêm phổi có thể dẫn đến tử vong. Để tránh những biến chứng nặng của mắc sởi và đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý:
1. Theo dõi sát, tránh để con tiếp xúc với nguồn lây bệnh, chú ý các triệu chứng đặc trưng của sởi, dấu hiệu khởi phát có thể là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc hoặc viêm thanh quản (một trong những triệu chứng rất hay gặp ở trẻ bị sởi, trẻ sẽ khóc khàn tiếng).
Ngoài ra khi có biểu hiện sốt phát ban cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, điều trị tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
2. Đối những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà nên cha mẹ đừng quá lo lắng, không nên nhập viện trong thời điểm này khi các khoa truyền nhiễm đều rất đông bệnh nhân sởi và nguy cơ lây nhiễm các nhiễm trùng bệnh viện làm nặng hơn tình trạng của trẻ là rất cao. Cần cách ly, hạn chế tiếp xúc , người lớn chưa được miễn dịch với sởi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên vẫn phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
3. Vì nhiều lý do, thời gian gần đây, nhiều quan niệm rằng tiêm vắc xin là nguy hiểm, nên nhiều cha mẹ không cho con đi tiêm chủng đầy đủ, dẫn tới nguy cơ mắc những bệnh vốn được coi là đã được thanh toán tại nước ta trở lại là rất cao. Vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình của Bộ Y tế, tránh các quan điểm sai lầm có thể gây nguy hiểm cho trẻ sau này.
Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao cho trẻ, cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và lần thứ hai vào 18 tháng tuổi.
4. Tuổi mắc bệnh thông thường của trẻ là từ sau 6 tháng do dưới 6 tháng tuổi, con vẫn còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nếu bú mẹ sẽ bảo vệ cho con, tuy nhiên trong các trường hợp mắc bệnh gần đây, số trẻ mắc bệnh trong tuổi bú mẹ khá nhiều, có thể do mẹ chưa tiêm phòng sởi, chưa có đáp ứng miễn dịch với sởi nên vẫn chưa có kháng thể bảo vệ con.
Mặc dù tuổi tiêm vắc xin sởi là 9 tháng tuổi, nhưng vẫn có thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ bú sữa mẹ, và trẻ dưới 9 tháng tuổi. Chỉ tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình Tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc xin. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi do kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.
5. Đặc biệt lưu ý những trường hợp không được tiêm vắc xin do vắc xin sởi là sống giảm độc lực. Sau tiêm vắc xin trẻ có thể bị nhiễm sởi nhưng ở mức độ nhẹ và thường không gây lây nhiễm. Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra.
Các trường hợp sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi có thể tiêm được.
- Không tiêm khi có dị ứng với vắc xin
- Không nên tiêm cho phụ nữ có thai
- Không tiêm cho các trường hợp suy giảm miễn dịch
6. Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc xin sởi.
Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm vắc xin sởi.
Khi tiêm vắc xin sởi, nếu vì lý do nào đó (như trẻ quấy đạp) làm thuốc tiêm vào không đủ liều cũng không được tiêm lại bù mà phải đợi đến mũi vắc xin thời điểm kế tiếp.
7. Nếu đã tiếp xúc với nguồn bệnh có virus sởi, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
8. Nếu không có các biến chứng thì điều trị sởi quan trọng nhất là chăm sóc cho trẻ, đảm bảo vệ sinh da, mắt, miệng, họng… đảm bảo đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho trẻ, dùng vitamin A tránh biến chứng về mắt do sởi gây nên, cung cấp đủ dịch và cách ly chặt chẽ trong suốt giai đoạn có viêm long đường hô hấp cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, lây qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh, khiến cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên dễ gây ra rất nhiều biến chứng nặng.
Mặc dù có thể tạo miễn dịch dễ dàng suốt đời bằng cách tiêm phòng vắc xin nhưng sởi có một chu kỳ 4-5 năm bùng phát thành dịch do nếu chỉ tiêm một mũi vắc xin sởi thì vẫn còn lại khoảng 15% trẻ có nguy cơ mắc sởi. Sự tích lũy của nhóm đối tượng này sau nhiều năm sẽ tạo điều kiện dịch sởi bùng phát.
Mặt khác sau nhiều năm không xuất hiện, khả năng tiếp xúc với sởi để tạo miễn dịch tự nhiên của cộng đồng nhất là của các mẹ giảm hẳn nên khả năng sau này bùng phát dịch là rất cao.
BS. Đại Nhân(SK&ĐS)