Nhận biết và điều trị ung thư dạ dày

Cập nhật ngày: 02/02/2015 04:38:21

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ác tính được mô tả từ rất lâu, vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên. Thế nhưng, mãi cho đến nay căn bệnh này vẫn không có triệu chứng lâm sàng nào đặc trưng. Do vậy, việc phát hiện và chẩn đoán loại bệnh lý ác tính này thật sự cần thiết nhằm nâng cao kết quả điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Những dấu hiệu nhận biết

Ngay cả ở những nước có nền y học tiên tiến cũng có khoảng một nửa bệnh nhân được chẩn đoán ra bệnh vào giai đoạn trễ và đã có triệu chứng lâm sàng rầm rộ rồi. Ở những nước có tần suất mắc ung thư dạ dày cao như Nhật, Chile, Venezuela… có chương trình tầm soát sẽ giúp phát hiện và chẩn đoán sớm.

Bệnh nhân có những biểu hiện chung, như sụt cân và đau râm ran vùng bụng trên kéo dài (đau thượng vị). Đây là một trong hai triệu chứng thường gặp nhất để hướng đến chẩn đoán ung thư dạ dày. Tình trạng sụt cân là hậu quả của sự hấp thu không đủ năng lượng, đồng thời cũng do quá trình tăng chuyển hóa của cơ thể.

Người bệnh thường có những biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi. Tình trạng thiếu máu mạn tính, da và niêm mạc mắt nhợt nhạt, hay choáng váng. Nguyên nhân do mất máu âm thầm qua đường ruột, như đi tiêu phân đen sệt, mùi tanh, đôi khi nôn ra máu tươi.


Một ca phẫu thuật nội soi chẩn đoán ung thư dạ dày.

Những triệu chứng gây ra do khối bướu như nuốt nghẹn, xảy ra khi bướu nằm ở phần trên cao của dạ dày; buồn nôn, nôn, thậm chí nôn cả thức ăn của những… ngày trước liên quan đến vị trí bướu ở phần cuối dạ dày. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân đến khám với thể trạng da bọc xương và tình trạng báng bụng (trong bụng có nước) hay sờ được khối bướu trong ổ bụng, hoặc đã có hạch vùng trên xương đòn bên trái.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán ung thư dạ dày, phương pháp nội soi không thể thiếu được. Các thầy thuốc sẽ đưa một ống soi vào dạ dày để phát hiện những tổn thương nghi ngờ, qua đó sẽ lấy vài mẫu mô gửi đến phòng xét nghiệm để xác định chẩn đoán ác tính hay lành tính.

Chụp dạ dày cản quang sẽ giúp xác định tổn thương ác tính và sự xâm lấn của khối bướu đến đâu, đồng thời cũng gợi ý cho các nhà nội soi xác định dễ dàng vị trí cần sinh thiết. Ngoài ra, các phương tiện cận lâm sàng như siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT scan) cũng góp phần phát hiện các di căn xa, nếu có.

Điều trị

Điều trị ung thư dạ dày hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn và sự tiến triển của bệnh. Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu. Kết hợp hóa trị và xạ trị sau mổ phụ thuộc vào tình trạng bệnh có di căn hay chưa. Những trường hợp chẩn đoán sớm, khi tổn thương nhỏ và còn khu trú ở lớp niêm mạc dạ dày (còn nằm nông, chưa ăn sâu vào vách của dạ dày), có thể điều trị bảo tồn được dạ dày mà không cần cắt bỏ dạ dày.

Một khi khối bướu đã quá to, bắt buộc phải cắt bỏ rộng hơn, đôi khi phải cắt hết toàn bộ dạ dày và được tạo hình dạ dày mới bằng một đoạn ruột non. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể phẫu thuật được, vì phần lớn bệnh nhân đến nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn trễ, đã di căn hoặc đã lan tràn toàn bộ ổ bụng. Khi bệnh ở giai đoạn trễ, gây ra các triệu chứng như nôn ói, đau, xuất huyết, tắc nghẽn… nên việc điều trị chỉ mang tính tạm bợ mà thôi.

Ung thư dạ dày là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do các bệnh ác tính, kết quả điều trị còn phụ thuộc rất lớn vào việc phát hiện và chẩn đoán, do đó tốt nhất là phòng tránh các yếu tố nguy cơ và cần có sự tư vấn của các cơ sở y tế chuyên khoa khi có các dấu hiệu nghi ngờ nêu trên.

TS-BS BÙI CHÍ VIẾT(SGGP)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn