Phòng ngừa và điều trị gai cột sống
Cập nhật ngày: 08/01/2015 04:49:17
Nếu gai không gây đau, không cần điều trị. Cần giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp. Khi đau cấp có thể đắp nóng hay lạnh tại vùng đau.
Bác sĩ Vũ Viết Chính, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM cho biết, bệnh gai cột sống là một căn bệnh thoái hóa cột sống, trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc sụn đã bị thoái hóa, bao gồm hẹp đĩa đệm, xơ hoá tấm tận và tạo thành gai xương.
Theo bác sĩ Chính, gai cột sống hay gặp ở nam và tăng theo độ tuổi. Đa số người trên 60 tuổi thường có những gai xương này mà không biết và chỉ tình cờ tìm ra khi chụp hình X-quang cơ thể. Gai cột sống có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng thường thấy là khu vực thắt lưng và đốt sống cổ.
Bệnh nhân gai cột sống thường đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân.( Ảnh minh họa).
Một số biểu hiện thường gặp của bệnh gai cột sống
Đa số bệnh gai cột sống không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên trong quá trình vận động khi gai cọ xát với xương khác hoặc các phần mềm xung quanh thì bệnh nhân thấy đau và thỉnh thoảng rất khó chịu.
- Đau thường xuất hiện ở cổ, thắt lưng, đặc biệt là khi bệnh nhân đứng hoặc đi. Vị trí đau tương ứng với phần cột sống tổn thương liên quan.
- Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác ở phần cột sống liên quan.
- Trường hợp nặng thì đau tê ở cổ lan qua hai tay, đau ở lưng, đau dọc xuống hai chân.
- Đau tăng lên khi đi lại hay vận động nhiều. Cơn đau tăng khi cử động, giảm khi nghỉ do đó sẽ đưa tới hạn chế cử động ở các phần này.
- Khi dây thần kinh bị chèn ép, bệnh nhân cảm thấy đau ở tay và chân, cơ bắp yếu. Nếu ống tủy bị thu hẹp quá, bệnh nhân sẽ có rối loạn đại tiểu tiện, mất cảm giác.
- Mất cân bằng thân.
Điều trị bệnh gai cột sống như thế nào
Nếu gai không gây đau, không cần điều trị. Việc giảm cân để giảm sức nặng lên xương khớp là điều cần làm. Khi bị gai cột sống và có triệu chứng lâm sàng thường được điều trị bảo tồn như sau:
- Hướng dẫn các tư thế đúng phù hợp cơ sinh học của cột sống.
- Thuốc giảm đau thông thường, kháng viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rung giật.
- Thực hiện các biện pháp tập vật lý trị liệu chủ động, bơi lội.
- Sử dụng một số dụng cụ nâng đỡ như nẹp cổ, nẹp thắt lưng… nhằm giảm bớt gánh nặng lên các đốt sống bị bệnh.
- Nên kết hợp với phương pháp châm cứu, massage, tập di động nhẹ nhàng cột sống.
- Các phương thức tại chỗ bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, đắp ấm, đắp lạnh…
- Cải tạo lại các môi trường xung quanh không làm cột sống chịu tải nhiều. Cải tạo môi trường làm việc như bàn ghế, tầm thích hợp khi làm việc…
- Cải thiện lối sống lành mạnh như ngưng hút thuốc, giảm cân, dinh dưỡng..
Điều trị đau cấp gồm có nghỉ ngơi khi sưng viêm, chườm nước đá, uống paracetamol, thuốc chống viêm không có steroid.
Trong trường hợp đau nhiều, bác sĩ có thể chích thuốc steroid tại chỗ để giảm viêm và đau của thần kinh và cơ bắp. Thuốc có nhiều tác dụng không muốn nếu dùng không đúng cách và không có chỉ định của bác sĩ. Dùng lâu, steroid có thể đưa tới mục xương, cao huyết áp, giữ nước trong cơ thể. Hiện nay tại Việt Nam, có nhiều thuốc giảm đau tuy gọi là đông dược nhưng lại có pha thêm steroid. Tác dụng chống viêm sẽ nhanh hơn nhưng tác dụng phụ có hại cũng rất nhiều.
Châm cứu có thể làm giảm đau một phần nào ở phần mềm nhưng không có tác dụng vào tình trạng viêm sưng cũng như khi gai chèn ép lên rễ dây thần kinh não tủy.
Phẫu thuật chỉ đặt ra trong trường hợp có sự chèn ép vào tủy, làm hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh gây các dấu hiệu tê chân, tay, rối loạn đại tiểu tiện đau lan tới tứ chi và ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt thường nhật. Tuy nhiên, ngay cả khi phẫu thuật gai xương vẫn có thể mọc lại ở cùng vị trí cũ vì thực tế quá trình hình thành gai xương là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với phản ứng viêm. Nếu bị đau do gai cột sống nên điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa cột sống cho từng loại bệnh lý và tái khám định kỳ để phát hiện sớm các tiến triển xấu từ đó có biện pháp xử trí thích hợp.
Phòng ngừa bệnh gai cột sống
Giảm đau và giảm độ tàn phế vùng cột sống tổn thương. Cải thiện độ khoẻ, độ mềm dẻo, độ thăng bằng, kiểm soát được vận động cột sống và độ dẻo dai của hệ tim mạch.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ (canxi, vitamin D), hạn chế chất béo nhất là mỡ động vật, và tăng cường ăn rau xanh, trái cây. Không hút thuốc.
Tránh chấn thương cột sống và các tư thế gây chấn thương, ví dụ ngồi xe hơi có bộ phận nâng đầu cổ.
Luôn giữ cột sống ở tư thế tốt, ngồi làm việc, lưng cổ có chỗ dựa, điều chỉnh màn hình hay sách vở ngang tầm mắt, luân phiên thay đổi tư thế. Tránh đứng, ngồi quá lâu ở những tư thế không tốt như ngồi hàng giờ trên bàn làm việc, ngồi xem ti vi hay đọc sách tư thế xấu, màn hình vi tính quá cao hay quá thấp, nằm ngủ tư thế không thoải mái.
Hạn chế làm công việc khuân vác nặng.
Kiểm soát cân nặng, đừng để quá mập hoặc béo phì.
Khi đau cấp có thể đắp nóng hay lạnh tại vùng đau. Thường dùng áp lạnh trong 48-72 giờ đầu tiên sau đó dùng nóng (tắm nóng, khăn nóng, hay túi chườm nóng).
Cần yêu cầu dùng các nẹp hỗ trợ như nẹp cổ, nẹp thắt lưng để giảm khó chịu, nhưng không dùng trong thời gian dài vì làm yếu các cơ nâng đỡ cột sống.
Ngưng các hoạt động thể lực bình thường trong vài ngày đầu để bớt đau và giảm viêm. Tập vận động nhẹ nhàng với tầm hoạt động của cột sống.
Nằm ngủ với nệm cứng đủ mà không cần gối hay dùng gối đặc biệt.
Tránh những môn thể thao quá sức chịu đựng bình thường của mình như cử tạ quá nặng, vận động quá khó. Nên chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, tập aerobic, yoga.
Các môn thể thao không nên thực hiện trong giai đoạn sớm trừ khi có sự đồng ý của bác sĩ: chạy, đá banh, golf, múa ballet, nâng tạ, nâng chân khi nằm sấp, ngồi dậy với chân thẳng.
Lê Phương(VnExpress)