Rèn luyện thân thể: Tưởng dễ mà khó

Cập nhật ngày: 16/04/2016 04:23:58

Luyện tập quá sức, không đúng phương pháp, không phù hợp với tuổi tác và thể trạng có thể khiến tình trạng sức khỏe của người tập xấu đi

Ông Ng.V.B (51 tuổi) bắt đầu lên một kế hoạch tập luyện, ăn kiêng khá khắt khe bởi từ đầu năm đến giờ, ông cứ tăng cân vùn vụt, bụng mỡ lộ rõ.

Đau nhức do “lâu lâu mới tập”

Một sáng thứ bảy không đi làm, ông B. bắt đầu chương trình “cải thiện sức khỏe” bằng cách chạy bộ 5 vòng Công viên Tao Đàn (TP HCM), hít đất 40 cái. Do thời trẻ từng luyện võ, cơ thể khá khỏe mạnh nên ông đã hoàn thành chỉ tiêu không khó khăn lắm. Thế nhưng, đến sáng hôm sau, khi chuông báo thức tập thể dục vừa reng, ông cố ngồi dậy nhưng… không nổi vì cơ bụng đau thắt, 2 bắp chân cũng ê ẩm.

Ông T.N.V.C (42 tuổi) vốn là tiền đạo của đội bóng cơ quan và đợt hội thao nào của đơn vị, ông cũng hăng hái tham gia. “Lâu lâu vận động cho khỏe người” - ông giải thích. Thế nhưng, cảm giác “khỏe người” chỉ là chuyện của 10 năm trước, còn giờ đây, cứ xong một trận đá bóng là ông C. đau khắp mình mẩy. Ông tưởng mình già rồi nên chơi thể thao không nổi. Thế nhưng, ngay cả cậu con trai 18 tuổi mà ông dẫn theo đá bóng cũng kêu đau nhức sau trận đấu nên ông chẳng rõ lý do gì.

Tại các khoa cơ - xương - khớp, những người đến khám bệnh sau khi tập thể dục thể thao không phải hiếm. Nhiều nhất vẫn là những trường hợp tập kiểu “lâu lâu một lần” và những cơn đau, chấn thương họ gặp phải chính là do cơ thể không thích nghi việc tập luyện với cường độ nặng đột ngột.


Người lớn tuổi nên lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức Ảnh: HOÀNG TRIỀU

“Không chỉ người lớn tuổi mà cả thanh niên đang dẻo dai, khỏe mạnh cũng bị vậy. Tôi từng gặp một bệnh nhân mới 17 tuổi, phải nhập viện vì chấn thương chỉ sau cú ném tạ. Một số người khác chấn thương do đá bóng mà nguyên nhân sâu xa là vì thiếu vận động thường xuyên, khi tập lại thì ham tập nặng và khởi động không kỹ” - TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, lý giải.

Theo BS Lý, với suy nghĩ tập càng nhiều càng khỏe, nhóm người tập luyện với cường độ cao để mong sớm có dáng đẹp cũng dễ đối mặt những nguy hiểm tiềm tàng. Vận động quá mức có thể gây ra các “chấn thương vi thể”, tuy không làm người tập đau đớn phải tìm đến bác sĩ ngay nhưng nếu cứ kéo dài sẽ gây ra các chứng bệnh về cơ - xương - khớp khó trị, như cốt hóa đầu xương, dây chằng…

Lớn tuổi, nên chọn môn vừa sức

Mới đây, ông Tr.V.V (57 tuổi) tìm đến bác sĩ bởi khi lên kế hoạch tập thể dục trở lại, dù đã chú ý tập ở mức tăng dần và áp dụng các tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với cách đây 10 năm nhưng ông liên tục bị đau ở cổ tay, cánh tay, đầu gối sau mỗi buổi tập.

“Tôi đã nghỉ tập khoảng 7 năm, cứ nghĩ do vậy mà cơ thể “xuống” chút ít, tập một thời gian sẽ khỏe lại. Thế nhưng, gần 1 năm trôi qua, cứ mỗi lần nâng tạ (trọng lượng chỉ bằng 2/3 lúc trước) là tối về mình mẩy ê ẩm dù sức khỏe tôi vẫn chưa đến nỗi gì” - ông hoang mang.

BS Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Thống Nhất (TP HCM), cho rằng với người lớn tuổi, chọn lựa một môn thể thao và tập luyện với cường độ vừa sức là rất quan trọng. Càng lớn tuổi thì cơ thể không còn dẻo dai như thời trẻ nên khó lòng chơi được môn thể thao đòi hỏi cường độ cao.

Người lớn tuổi cũng thường gặp các vấn đề về hô hấp, tim mạch, cơ - xương - khớp. Quá gắng sức thì việc tập luyện không những không khỏe hơn mà còn khiến bệnh có nguy cơ nặng thêm. Chẳng hạn, một người mắc bệnh về tim mạch, cao huyết áp sẽ dễ bị nhồi máu cơ tim nếu thực hiện các động tác thể lực quá sức. Người bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thì bệnh có thể nặng thêm. Người bị thoái hóa cột sống, loãng xương… sẽ dễ chấn thương nếu việc tập luyện tác động quá mạnh vào các vùng cơ thể vốn đã yếu.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo với người lớn tuổi có sức khỏe bình thường, không chơi thể thao chuyên nghiệp và đều đặn từ trẻ, chỉ muốn luyện tập để tăng cường sức khỏe thì nên chọn các môn nhẹ nhàng như đi bộ, tập dưỡng sinh… Với người chơi thể thao thường xuyên thì cường độ các bài tập cũng nên giảm nhẹ cho phù hợp khi tuổi tác cao dần; nên chuyển sang hình thức tập luyện khác nếu môn thể thao đang chơi ảnh hưởng đến bệnh lý hiện có hoặc dễ làm tái phát chấn thương cũ.

Tập gì cũng vừa phải

Theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, với người chưa từng tập thể thao hoặc đã lâu không luyện tập, muốn bắt đầu một kế hoạch tập luyện thì chớ nên vội vàng tập nặng ngay trong những ngày đầu tiên. Nên tập thật nhẹ nhàng thời gian đầu và tăng cường độ, thời lượng lên từ từ để cơ thể kịp thích nghi. Nên xem lại bài tập nếu việc tập luyện khiến cơ thể đau đớn. Tóm lại, tập gì cũng nên vừa phải vì ngay cả đi bộ mà quá sức cũng có thể ảnh hưởng tới đầu gối vì làm tăng tải lên vùng này.

ANH THƯ (NLĐO)

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn