Sơ cứu đúng khi bị bỏng

Cập nhật ngày: 08/11/2013 04:54:12

Bỏng gây nhiều đau đớn và để lại hậu quả nặng nề. Nếu xử trí tốt bước sơ cứu, bệnh nhân bỏng sẽ có sự hồi phục nhanh hơn.


Một trường hợp bị bỏng nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Tai nạn nặng nề, điều trị tốn kém

Hằng năm, khoa Bỏng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận khoảng 1.100 - 1.500 bệnh nhân bỏng vào điều trị. Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa Bỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, bỏng có thể gặp trong sinh hoạt, lao động, trong vui chơi giải trí, thảm họa cháy nổ.

Xét về tác nhân gây bỏng, những dạng bỏng thường gặp là bỏng do nước nóng, thức ăn nóng; bỏng do lửa gồm lửa xăng, lửa cồn, ga, cháy xe, cháy nhà, tia hồ quang điện; bỏng do hóa chất gồm a xit, vôi tôi nóng, ba zơ, kiềm...; bỏng do khói nóng, hơi nóng; bỏng do dòng điện: cao thế, hạ thế, sét đánh; bỏng do các vật nóng khi tiếp xúc trực tiếp và bỏng do phóng xạ.

Cũng theo bác sĩ Đạo, bỏng là tai nạn nặng nề, điều trị tốn kém, lâu dài, hậu quả ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ, tâm lý và kinh tế không chỉ của người bệnh mà cho cả gia đình và xã hội.

Vì vậy, cần có hướng sơ cứu đúng khi nạn nhân bị bỏng để việc điều trị không kéo dài và khả năng hồi phục sức khỏe nạn nhân được tốt hơn.

Cách xử trí ban đầu khi bị bỏng

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng, để xử trí đúng khi bị bỏng, trước hết, cần đưa nạn nhân ra khỏi nguồn gây bỏng. Ngăn chặn tiến triển bỏng bằng cách nạn nhân nằm lăn tròn dưới đất để dập lửa hoặc dùng chăn để dập. Lưu ý, bệnh nhân không được chạy khi dập lửa và chăn dập lửa phải là chăn dày.

Bước tiếp theo phải cởi bỏ quần áo của nạn nhân càng sớm càng tốt vì quần áo giữ nhiệt. Ngoài ra, phải cởi bỏ những vật dụng gây siết bó như đồ trang sức, dây nịt...

Sau đó, cần làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vùng bỏng vào nước mát, sạch (khoảng 15 - 20 độ C) trong khoảng 20 phút hoặc đặt khăn, quần áo ướt lên vùng bỏng và phải thay khăn thường xuyên.

Vùng bỏng của nạn nhân sau đó phải được che phủ bằng vải sạch khô và băng ép nhẹ.

Cũng cần lưu ý, nên nâng cao vùng bị bỏng sẽ giúp vết thương giảm phù nề hơn. Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng cách.

Sai lầm trong sơ cứu bỏng

Khi gặp các trường hợp bị bỏng, tuyệt đối không làm nạn nhân quá lạnh khi ngâm rửa vết thương hay đắp vết bỏng bằng nước đá, đá lạnh. “Vùng da bị bỏng quá lạnh sẽ gây ra hiện tượng co mạch máu và làm tình trạng bỏng trở nên nặng nề hơn”, bác sĩ Đạo nói.

Cũng theo ông, không nên ngâm rửa vết bỏng trong nước nóng vì như vậy vết bỏng sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ tác động vào lớn hơn.

Đặc biệt, không nên dùng các loại thuốc mỡ, dầu, nước mắm, lá cây... hoặc bất kỳ chất nào thoa vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch. Tác dụng của những cách đắp này chưa được xác thực, trong khi biến chứng để lại nặng nề hơn vì dễ gây nhiễm trùng cho nạn nhân.

“Ngoài ra, không làm trơn loét vết bỏng, bóc bỏ vòm nốt phòng vì làm như vậy thì mức độ nhiễm trùng càng tăng cao”, bác sĩ Đạo nói.

Bài, ảnh: Hà Minh (TNO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn