Tăng cường tuyên truyền dịch cúm A H5N1

Cập nhật ngày: 25/03/2013 04:15:22

Trước tình hình dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây truyền và bùng phát dịch cao, UBNN tỉnh Đồng Tháp ban hành Công văn yêu cầu các ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Yêu cầu Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Truyền thông y tế tham mưu tổ chức tăng cường giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời theo từng đia phương không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, khi phát hiện tình trạng buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm bệnh, gia cầm chết cần báo ngay với chính quyền địa phương để xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, yêu cầu ngành y tế tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh.

Để phòng tránh dịch cúm gia cầm, người dân cần quan tâm đến những vấn đề sau:

Nuôi nhốt gia cầm trong chuồng.

Khi nuôi phải có rào xung quanh trong khu vực cho phép.

Mỗi gia đình chỉ nên nuôi một loại gia cầm, nếu đã nuôi nhiều loại thì nhốt riêng từng loại.

Nhốt riêng gia cầm mới mua ít nhất hai tuần.

Khi thấy gia cầm bệnh, nên báo cho cán bộ thú y, không để gia cầm bệnh.

Khi có những loài vật khác chết ở khu vực nuôi gia cầm, cần đeo khẩu trang và găng tay cho vào túi nilon, đào hố chôn hoặc thiêu hủy.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm.

Không buôn, bán, vận chuyển gia cầm chưa được kiểm dịch không đúng quy định.

Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại quét dọn phân, lông, chất thải gia cầm..., sau đó đem đốt hoặc chôn.

Hàng tuần nên rửa sạch và khử trùng dụng cụ chăn nuôi, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột...

Tiêm phòng cho gia cầm: Tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm nhằm làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia cầm và cho người.

Không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Xử lý gia cầm chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Tiêu độc, khử trùng chuồng trại và các phương tiện vận chuyển bằng CloraminB, vôi bột...

Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi đi ra khỏi nơi nuôi nhốt gia cầm.

Rửa tay bằng xà phòng và thay quần áo sau khi tiếp xúc với gia cầm.

Diệu Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn