Thịt bò tái: Vì sao nên đoạn tuyệt?

Cập nhật ngày: 23/08/2015 04:27:16

Thịt bò tái tuy là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng thực sự món ăn này chứa rất nhiều hiểm họa nên dù thích mấy cũng nên từ bỏ thói quen này.

Hàng năm, viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng do ăn thực phẩm tái sống. Một trong những ca bệnh đó là anh Đ.Đ.C ở Cửa Lò, Nghệ An.

Anh Đ.Đ.C nhập viện trong tình trạng đau thượng vị, dạ dày bị tổn thương, rối loạn tiêu hóa, sốt rất cao. Trước đó bệnh nhân đã nằm điều trị ở tuyến dưới nửa tháng nhưng không tìm ra bệnh nên các bác sỹ đã cho chuyển viện.

Tại đây, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân này có nhiều dấu hiệu của bệnh sán lá gan lớn nên đã cho làm xét nghiệm tìm kiếm sán lá gan.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, thông số bạch cầu ái toan của bệnh nhân tăng cao 70%. Kiểm tra máu bằng kỹ thuật miễn dịch tìm thấy kháng thể sán lá gan lớn trong huyết thanh. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm phân còn cho thấy có trứng ấu trùng sán lá gan.

Qua điều tra thói quen sinh hoạt cho thấy, bệnh nhân C. có sở thích ăn thịt bò tái hàng ngày. Các bác sĩ nhận định đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn.

Theo các bác sĩ, thịt bò tái tuy là món ăn khoái khẩu của nhiều người vì cách ăn này khiến cho thịt bò mềm và ngọt hơn so với khi nấu chín hẳn nhưng thực sự món ăn này chứa rất nhiều hiểm họa nên dù thích mấy cũng nên từ bỏ thói quen này.

Khi ăn thịt bò tái, nguy cơ lớn nhất của người ăn là bị nhiễm ký sinh trùng. Khi ăn thịt bò tái thường xuyên, người ăn có nguy cơ nhiễm 2 căn bệnh điển hình do ký sinh trùng gây nên như:

- Bệnh sán lá gan lớn: Sán lá gan lớn là loại ký sinh trùng ký sinh ở gan và đường mật của động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê... Nếu giết ổ những động vật này không đúng quy trình vệ sinh sẽ khiến cho ký sinh trùng xâm nhập vào thịt.

Ngoài ra, trong quá trình tiêu hóa của động vật ăn cỏ, phân của chúng thường chứa ấu trùng sán lá gan. Khi ra ngoài, chúng phát triển ở ngoài không khí, sống trong môi trường nước và bám vào các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau muống, rau cần...

Nếu con người ăn sống các loại rau này cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh sán lá gan.

- Bệnh sán giải bò: Bệnh này do loài sán ký sinh trong ruột bò có tên khoa học là Taenie Saginata gây ra.

Nang sán có trong thịt bò nấu không chín kỹ, khi vào ruột sẽ phóng thích cho ra ấu trùng sán, có thể thâm nhập qua thành ruột và đi khắp cơ thể, gây nên bệnh sán ở mô.

Bác sĩ Trần Hữu Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương: "Trong thịt bò tái có chứa các nang ấu trùng, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng di qua dạ dày, tá tràng vào ổ bụng rồi di chuyển đến gan.

Ấu trùng đục thủng bao gan chui vào nhu mô gan để sinh trưởng và tiết ra các chất độc phá huỷ nhu mô gan, gây cảm giác đau bụng, đau vùng rốn, và gây tắc đường ruột". - Theo Pháp luật và Đời sống

Theo Trí thức trẻ

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn