Nói không với thực phẩm bẩn:

Thói quen ăn uống làm ung thư tăng

Cập nhật ngày: 04/12/2016 08:21:02

Ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân làm những loại bệnh này gia tăng là do thói quen ăn uống.


Các giường bệnh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hầu hết đều quá tải - Ảnh: Hữu Khoa

Các bác sĩ nhận định bệnh ung thư ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, tuổi mắc bệnh ung thư cũng ngày càng trẻ hơn.

Theo cập nhật của Tổ chức Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) đến tháng 11-2015, riêng Việt Nam mỗi năm có 125.036 người mắc bệnh ung thư và có đến 94.743 người chết vì căn bệnh này hằng năm. Bệnh ung thư thật sự là một gánh nặng, đe dọa cuộc sống của người dân.

Có chiều hướng gia tăng

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết cũng theo ghi nhận của Globocan, suất độ mắc bệnh ung thư ở Việt Nam nằm ở mức độ trung bình trên thế giới với 160-170 người mắc/100.000 dân.

Người mắc bệnh ung thư có chiều hướng gia tăng vì những năm trước đó chỉ ở mức 120-130 người mắc/100.000 dân.

Kết quả khảo sát mới nhất của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM trên 8.951 người mắc bệnh ung thư sống tại TP.HCM cho thấy có sự gia tăng của ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, trong khi ung thư phổi, ung thư gan không thay đổi nhưng vẫn là hai loại ung thư đứng đầu nước ta với tỉ lệ tử vong cao.

Theo TS Quốc Thịnh, có rất nhiều lý do khiến suất độ mắc ung thư tại Việt Nam gia tăng như ngày càng có nhiều cơ sở y tế khám và chẩn đoán được bệnh ung thư, dân số tăng, người dân gia tăng tuổi thọ.

Tuy nhiên, những lý do khác quan trọng hơn phải kể đến là vấn đề về tập quán, thói quen và môi trường.

Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ thuốc lá, rượu bia hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Thói quen này chắc chắn sẽ làm tăng số người mắc bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày.

Ngoài ra, thói quen lười vận động của giới trẻ, giới nhân viên văn phòng... cũng làm tăng nguy cơ ung thư. Công việc bận rộn còn dễ dẫn đến thói quen ăn uống nhanh, vội, không ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi mỗi ngày cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Cuối cùng là vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thực phẩm bẩn nguy hiểm khó lường

Thực phẩm nếu không được kiểm soát tốt, trong nhiều thực phẩm có hóa chất độc hại sẽ gây bệnh ung thư.

Ví dụ như trước đây, một thời gian rộ lên thông tin bún, phở có chứa formaldehyde. Chất này khi vào cơ thể sẽ gây bệnh ung thư.

Thời gian gần đây có những thông tin về các chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp như phẩm màu công nghiệp lại được cho vào thức ăn. Phẩm màu công nghiệp đều có những chất gây ung thư.

Hoặc có những nơi cho hàn the, những hóa chất khác vào thịt thối... để làm thịt tươi lên, những chất này đều có thể gây ung thư. Thực phẩm không an toàn thực sự là mối lo vì làm tăng nguy cơ bị ung thư cao.

Ngoài ra, điều kiện môi trường sống như khói, bụi nhiều, chất thải công nghiệp nhiều cũng góp phần tăng nguy cơ bị ung thư.

TS Quốc Thịnh nhấn mạnh bên cạnh vấn đề về môi trường sống, an toàn vệ sinh thực phẩm thì vấn đề lối sống cũng rất quan trọng vì có thể làm tăng hoặc giảm suất độ ung thư.

Đan Mạch là một nước phát triển, môi trường tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhưng suất độ ung thư vẫn cao với mức hơn 300 người dân mắc ung thư/100.000 dân là do lối sống ít ăn rau tươi, ít vận động.

Tương tự, Czech, Mỹ, Pháp... là những nước rất phát triển nhưng tỉ lệ người dân mắc bệnh ung thư vẫn cao so với nhiều nước khác.

Do không ăn nhiều rau xanh, trái cây

Những loại ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư vú tăng thời gian gần đây là do thói quen ăn uống.

Một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú là do không ăn nhiều rau xanh và trái cây. Thói quen uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

TS Quốc Thịnh cho rằng một chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi, không ăn nhiều chất béo sẽ hạn chế được nhiều nguy cơ gây bệnh ung thư. Trong rau xanh và trái cây tươi có rất nhiều chất tham gia quá trình lấy đi những sản phẩm độc hại, chuyển thải từ cơ thể ra ngoài.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyên mỗi ngày nên ăn 5 loại trái cây khác nhau. Ngoài ra, cần có chế độ vận động, thể dục thể thao mỗi ngày. Bên cạnh đó, cần phải phòng tránh rượu, bia, thuốc lá.

TS Quốc Thịnh nhấn mạnh ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ bị tăng cân và béo phì cũng là một yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư, bên cạnh những bệnh lý bệnh tim mạch khác. Béo phì cũng là nguy cơ của nhiều bệnh ung thư khác nhau như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư cổ tử cung…

Báo động gia tăng một số loại ung thư

Tại TP.HCM cứ 100.000 nam giới có 172 người bị ung thư, với các loại ung thư thường gặp là phổi, gan, đại trực tràng và thanh quản. Ở nữ giới tỉ lệ này là 138/100.000 người mắc ung thư, với các loại ung thư thường gặp là vú, cổ tử cung, đại trực tràng, phổi và tuyến giáp.

Đáng báo động là ung thư vú và đại trực tràng có khuynh hướng gia tăng nhiều ở cả hai giới. Thông tin này được báo cáo tại Hội thảo phòng chống ung thư TP.HCM do Hội Ung thư Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu TP và Hội Ung thư TP phối hợp tổ chức ngày 1 và 2-12 tại TP.HCM.

Tham dự hội thảo có 1.300 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ thuộc 150 đơn vị y tế trên cả nước... với 112 đề tài được báo cáo. Hội thảo lần này còn thông tin một số kỹ thuật điều trị mới đem lại kết quả tốt cho người bệnh như kỹ thuật vi phẫu tái tạo lưỡi cho người ung thư lưỡi, phẫu thuật nội soi bướu trung thất, các kỹ thuật xạ trị tiên tiến...

Một số nghiên cứu còn mở ra những hướng điều trị mới như xạ trị ung thư gan bằng vi cầu phóng xạ Y-90, điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng cấy hạt phóng xạ i-125...

Theo bác sĩ CK2 Lê Hoàng Minh - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu tại Việt Nam, tiếp tục là gánh nặng cho gia đình, xã hội và hệ thống y tế nước ta. Chỉ riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP, số lượng người bệnh ung thư tới điều trị hằng năm tăng 27.000 - 28.000 ca mới.

Theo TTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn