Trà thanh nhiệt, chỉ huyết

Cập nhật ngày: 15/04/2014 05:10:22

Xuất huyết là hiện tượng máu thoát ra khỏi thành mạch do mạch máu bị tổn thương hoặc do tính thấm thành mạch. Có thể là xuất huyết dưới da, xuất huyết dạ dày, chảy máu cam, chảy máu răng lợi, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, rong kinh,...

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu là do hỏa nhiệt và khí hư. Phép trị là thanh nhiệt tả hỏa, mát máu cầm máu hoặc dưỡng âm, bổ âm, ích khí, nhiếp huyết cầm máu. Sau đây là một số bài trà thanh nhiệt, mát máu cầm máu.

Bài 1: rễ cỏ tranh tươi 60g (khô 30g), chè 3 - 6g. Rễ cỏ tranh cho vào nồi, đổ nước đun sôi 15 phút thì cho chè vào, sôi thêm một lát nữa là được. Hoặc cắt nhỏ rễ cỏ tranh cho cùng chè vào ấm hãm nước sôi 15 phút. Ngày dùng 1 thang, uống dần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt mát máu, cầm máu, trị tiểu ra máu và các chứng xuất huyết khác.

Bài 2: tang diệp (lá dâu, tốt nhất thu hái sau sương giá), chè khô lượng tùy ý. Lá dâu sấy khô tán vụn, đựng trong lọ sành, mỗi lần dùng 9g bột tang diệp, 3g chè nấu hoặc hãm nước sôi, chờ nguội uống, ngày uống 1 - 2 lần. Công dụng: lá dâu thu hái sau sương giá có vị đắng tính hàn, đi vào khiếu phế, nhập can kinh, tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, mát máu cầm máu. Chữa trị ho do phế nhiệt, đờm có lẫn máu, khạc ra máu do giãn phế quản, do lao phổi, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

Bài 3: lá thị lượng tùy ý, chè vừa đủ. Lá thị rửa sạch (nếu lấy được lá vàng khô, rụng mùa thu là tốt nhất), tán bột, bảo quản dùng dần. Mỗi lần 6g bột cho cùng chè nấu nước, để nguội uống. Ngày 1 - 2 lần. Công dụng: lá thị vị đắng tính hàn, nhập kinh phế, tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, mát máu cầm máu. Trị phế nhiệt gây hen suyễn, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.

Bài 4: hoa sen 6g, chè 3g. Lấy nụ hoặc hoa sen đã nở vào tháng 7 phơi khô chỗ mát. Cho cả hoa sen và chè vào tán vụn, đựng trong túi giấy lọc hoặc để nguyên hãm nước sôi trong 5 phút, uống. Ngày dùng 1 thang. Công dụng: hoa sen vị đắng tính mát, nhập vào kinh tâm và can, tác dụng thanh thử ninh tâm, mát máu cầm máu, trị thử nhiệt tâm phiền, ho ra máu, nôn ra máu, hoặc kinh nguyệt quá nhiều, ứ huyết bụng đau.

Bài 5: lê tươi 1 quả bỏ hạt, ngó sen tươi 500g (bỏ mắt), lá sen tươi hoặc khô 1 lá (bỏ cuống), mứt hồng 1 quả (bỏ tai), rễ cỏ tranh tươi 30g, táo tàu 10 quả (bỏ hạt). Các vị rửa sạch, cho vào nồi đổ ngập nước đun kỹ. Ngày uống 1 thang, uống thay chè. Công dụng: thanh nhiệt dưỡng âm, mát máu cầm máu, chữa nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu.

Bài 6: ngó sen 5 khúc, rễ cỏ tranh 30g, đường trắng vừa đủ. Ngó sen và rễ cỏ tranh rửa sạch cho vào nồi, đổ nước đun trong 20 phút, lọc lấy nước pha đường uống. Ngày 1 thang, uống dần thay chè. Công dụng: ngó sen chứa tanin, rễ cỏ tranh vị cam hàn, nhập phế vị dẫn tới tiểu tràng, tác dụng thanh nhiệt lợi niệu, mát máu cầm máu rất tốt, chữa ho ra máu do phế nhiệt, giãn phế quản, lao, chảy máu cam, đái máu.

Bài 7: tiểu kế căn (rễ cây chè gai) lượng tùy ý. Tiểu kế căn tán bột, đun nước uống thay chè, mỗi ngày 1 thang (30 - 60g). Có thể dùng 150g tiểu kế căn tươi giã nát lọc lấy nước uống hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác: ngó sen tươi, địa hoàng tươi, tiểu kế căn tươi, rễ ngưu bàng tươi cùng giã nát vắt lấy 1 bát nước, thêm 1 thìa mật ong khuấy đều, uống từ từ rất hiệu quả. Công dụng: thanh nhiệt mát máu, cầm máu và hoạt huyết giải độc, trị ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu cam, đại tiểu tiện ra máu.

Lương y Đình Thuấn(SK&ĐS)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn