Trẻ nào cần tiêm văcxin sởi – rubella?
Cập nhật ngày: 01/11/2014 05:25:48
Bộ Y tế công bố triển khai chiến dịch tiêm ngừa văcxin sởi - rubella trên toàn quốc. Nhưng có cần phải tiêm cho tất cả 23 triệu cháu?
Từng xảy ra quá nhiều sự việc khiến việc tiêm ngừa trở thành nỗi sợ hãi của nhiều gia đình. Vì thế, việc tuyên truyền cần rõ ràng, dễ hiểu cho mọi người - Ảnh: Hữu khoa
Đây là chiến dịch nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015 triển khai tiêm hết cho 23 triệu trẻ em ở độ tuổi 1-14 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng có cần phải tiêm cho tất cả 23 triệu cháu? Công tác truyền thông cần chính xác và cẩn trọng để tránh nhầm lẫn và lãng phí.
Thực tế có một tỉ lệ khá lớn các cháu, nhất là các cháu ở các thành phố lớn, đã được tiêm dịch vụ đủ hai liều văcxin phối hợp “3 trong 1” (SQR, ngừa ba bệnh sởi - quai bị - rubella). Nhiều cháu tiêm mũi sởi đơn 9 tháng ở phường, sau đó tiêm dịch vụ hai lần SQR.
Cả ba bệnh SQR chỉ cần tiêm hai liều đúng độ tuổi từ 12 tháng đến 3-5 tuổi là đủ bảo vệ suốt đời.
Điều quan trọng khi triển khai chiến dịch là cần sàng lọc đối tượng chưa hoặc đã tiêm đủ (kể cả dịch vụ), xác định và khoanh vùng ưu tiên địa bàn nông thôn và miền núi, xác định độ tuổi. Cần ưu tiên các cháu sinh trước năm 2007.
Theo báo cáo của EPI Việt Nam và khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, từ 2009-2013 tỉ lệ tiêm mũi hai văcxin sởi (MCV2) của Việt Nam luôn đạt trên 83% cho độ tuổi <24 tháng, mũi 1 (MCV) luôn đạt trên 90%.
Từ 2007-2013, EPI-VN đã tiêm hai mũi văcxin sởi miễn phí cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Mặt khác, trong vụ dịch sởi 2013, Cục Y tế dự phòng vừa triển khai “tiêm vét” sởi đơn, số lượng lớn các cháu từ 9 tháng tuổi đã được tiêm. Một đứa trẻ chỉ cần tiêm hai liều trước 4 tuổi là đủ ngừa bệnh sởi nếu văcxin đảm bảo chất lượng và kỹ thuật tiêm đúng.
Như vậy, theo lịch tiêm chủng và thực tế hiện hành, đa số trẻ em đã đủ liều ngừa bệnh sởi. Nếu tiêm đại trà loại văcxin “2 trong 1” (SR) thêm một mũi nữa thì vừa thừa vừa thiếu. Thừa mũi văcxin sởi (đến 3, 4 mũi) mà thiếu văcxin quai bị.
Riêng bệnh rubella và quai bị, EPI-VN chưa chính thức đưa vào chương trình sau 30 năm thực hiện. Điều đó không có nghĩa là tất cả 23 triệu trẻ em (1-14 tuổi) hiện nay chưa có ai tiêm ngừa rubella (và quai bị).
Thực tế từ những năm 1990, cùng với EPI, y tế dự phòng các địa phương, các viện VSDT đã mở dịch vụ tiêm chủng cho mọi lứa tuổi. Rubella đơn và quai bị đơn tiêm hai mũi rất phổ biến. Từ năm 2000, loại văcxin đơn giảm dần và được thay loại “3 trong 1” (SQR). Quai bị đơn chỉ tiêm cho bé trai.
Để ngừa hai bệnh này cho các cháu, nhiều gia đình đã cho con em tiêm dịch vụ loại văcxin phối hợp ngừa ba bệnh trong một mũi tiêm (hoặc quai bị đơn và rubella đơn) trước 14 tuổi.
Cả ba bệnh này có cơ chế lây truyền và phát bệnh giống nhau. Văcxin cũng giống nhau về nguyên lý sản xuất. Điều quan trọng nhất là số lần tiêm giảm. Thay vì tiêm 6, 7 mũi ngừa ba bệnh, nay chỉ còn tiêm hai mũi.
Ưu điểm của loại văcxin “tam liên” này là độ an toàn, hiệu quả miễn dịch cao, tỉ lệ phản ứng sau tiêm rất thấp; giảm số lần tiêm, giảm số lần đau và tiết kiệm tiền, thời gian.
Trường hợp đã tiêm đủ hai liều “3 trong 1” hoặc đã bị ba bệnh SQR, nếu tiêm thêm SR trong chiến dịch sẽ gặp nguy cơ phản ứng sau tiêm tăng, cơ địa dị ứng với kháng sinh bảo quản văcxin cũng là nguy cơ phản ứng phụ, lãng phí văcxin không cần thiết.
Tóm lại, văcxin sởi - rubella (MR-Vac) không cần phải tiêm hết cho 23 triệu trẻ 1-14 tuổi, không bắt buộc tất cả đối tượng phải tiêm. Ưu tiên cho bé gái ở nông thôn và miền núi.
BS TRẦN SONG HÀO