Mẹo trị cảm cúm không dùng kháng sinh
Cập nhật ngày: 24/10/2014 07:09:39
Thay vì dùng kháng sinh, người bị cảm cúm có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước và sử dụng các dược liệu thiên nhiên.
Kháng sinh là một loại thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, lạm dụng kháng sinh có thể gây hiện tượng kháng thuốc trên vi khuẩn (nhờn thuốc). Người bệnh thường phải dùng loại kháng sinh mạnh hơn loại trước nếu như bệnh không khỏi dứt điểm.
Một báo cáo của Chính phủ Anh mới đây cho biết, cứ 7 người uống kháng sinh thì có một người không thấy hiệu quả. Chính phủ nước này cũng kêu gọi người dân không cần thiết phải uống kháng sinh nếu ho, cảm dưới 5 ngày.
Cảm cúm khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi.
Theo Trung tâm Quốc gia về Chủng ngừa và Bệnh hô hấp Mỹ (NCIRD), kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn (bacteria) và không thể chống lại các bệnh do siêu vi (virus) như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phế quản, xoang và viêm tai. Việc sử dụng kháng sinh trong trường hợp này có thể gây thêm tác dụng phụ (phát ban, buồn nôn, mệt mỏi, sốc phản vệ) và loại bỏ các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Trong một khuyến cáo năm 2014, tổ chức này khuyên làm giảm triệu chứng là lựa chọn điều trị tốt hơn khi nhiễm virus.
Người bệnh nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và giảm mọi hoạt động không cần thiết để cơ thể nhanh bình phục. Nên uống nhiều nước, ăn súp hoặc cháo nóng để duy trì lượng nước trong cơ thể. Bệnh do virus cần một tuần hoặc hơn để hồi phục. Vì vậy, người bệnh có thể sử dụng một số dược liệu thiên nhiên dưới đây có khả năng phòng và hỗ trợ điều trị cảm cúm, ho, sốt nhẹ.
Cúc tần
Theo y học cổ truyền, cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Cúc tần có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau, được dùng chữa cảm mạo, sốt không ra mồ hôi, cơ thể đau nhức. Hái lá và cành non đem về rửa sạch, sau đó đun lên lấy nước uống, hoặc đun lên để xông. Khi uống vào mồ hôi ra đầm đìa là được hoặc dùng 8-16 g dạng hoàn, tán.
Người bệnh cảm sốt không ra mồ hôi, nhức đầu có thể lấy 20g lá cúc tần tươi, 10g lá sả một phần, 10g lá chanh đem nấu với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông cho ra mồ hôi để giảm sốt, giải cảm.
Cây tía tô
Nếu cảm lạnh hoặc cảm cúm không có mồ hôi và ho tức ngực, nôn đầy, nên dùng 20g lá tươi giã nhỏ, chế thêm nước sôi, khuấy đều gạn lấy nước nóng; hoặc dùng 10 lá cắt nhỏ trộn với cháo nóng, ăn rồi nằm nghỉ cho ra mồ hôi. Ngoài ra, có thể thêm hành sống giã nhỏ 5g, gừng tươi giã nhỏ ba lát, muối vừa đủ để nấu cháo giải cảm.
Trong trường hợp cảm mưa gió, thân thể đau mỏi, nhức đầu sổ mũi, nôn đầy, có thể lấy 15g lá tía tô, vỏ quít cũ, củ gấu (hương phụ), gừng sống, hành trắng cả cây đều 10g xắt uống lúc thuốc còn nóng.
Người bệnh cảm cúm gai rét không ra mồ hôi thì lấy tía tô, lá chanh, bạc hà, lá sả, mỗi thứ một nắm nấu nước xông. Cảm cúm bốn mùa thì dùng 3 chén nước với tía tô, kinh giới, sắn dây, bạc hà, nghệ, sài hồ (tất cả đều phơi khô) và gừng tươi lấy một chén uống khi nóng, uống xong đắp chăn nằm cho ra mồ hôi.
Ăn tía tô với các loại rau sống, rửa sạch cũng có tác dụng giảm ho, giảm đau và giải độc. Tuy nhiên, không ăn cá chép chung với tía tô, dễ bị sinh độc thành mụn nhọt.
Vỏ và lá bưởi
Vỏ ngoài bưởi chứa tinh dầu có vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giải cảm tốt. Có thể xông giải cảm bằng lá bưởi tươi kết hợp cùng một số loại lá có tinh dầu thơm như lá chanh, lá sả, hương nhu.
Nếu ho có đờm, lấy vỏ bưởi đã cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc, nấu với nước sôi một lát rồi vắt nước, ngâm trong đường một tuần. Lấy nước ngâm nuốt dần, dùng liền 5 ngày có thể thuyên giảm bệnh.
Tỏi tía
Tỏi tía là vị thuốc cổ truyền có khả năng phòng và hỗ trợ điều trị cảm cúm, ho, sốt nhẹ hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, nằm trong hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa bệnh lỵ ra máu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đàm, trừ ho.
Còn theo y học hiện đại, hoạt chất chính trong tỏi là Allicin (hoạt chất chứa gốc lưu huỳnh tạo nên mùi vị đặc trưng của tỏi) có tác dụng kích thích hô hấp mạnh, làm thông thoáng đường thở, tăng cường trao đổi khí ở phổi. Tỏi có khả năng diệt virus và không bị kháng. Ngoài ra, loại thực vật này còn làm giảm mỡ máu, mỡ trong gan, chống oxy hóa mạnh, kích thích tiêu hoá mạnh và ngăn ngừa đau bụng do nhiễm lạnh. Dùng tỏi hàng ngày có thể hạn chế nguy cơ nhiễm lạnh mỗi khi chuyển mùa.
Mặc dù tỏi có nhiều tác dụng chữa bệnh, song người bệnh vẫn chưa biết cách dùng tỏi hiệu quả. Thói quen xào, nướng, nấu chín tỏi, nghiền tỏi thành bột và sấy khô để dập thành viên (viên bột tỏi), ủ lên men (tỏi đen)… sẽ làm giảm hoặc mất tác dụng của tỏi.
Để điều trị cảm cúm bằng tỏi, người bệnh nên giã nát tỏi và ngửi nhiều lần (xông mũi, họng) hoặc giã tỏi uống với nước. Tuy nhiên, ăn tỏi tía sống ít có hiệu quả vì tiền chất Alliin chỉ có tác dụng khi được chuyển hóa dưới tác dụng của men trong tép tỏi. Hơn nữa, mùi tỏi sống có thể gây kích ứng dạ dày mạnh, dùng lâu gây giảm thị lực. Thay vào đó, người bệnh có thể thái lát tỏi, ngâm dấm trong vòng 30 ngày và ngậm từ 10 đến 15 phút mỗi ngày. Để có hiệu quả cao, người bị cảm cúm có thể sử dụng các thực phẩm chiết lấy thành phần sinh học có trong tép tỏi và uống vào buổi tối trước khi đi ngủ, nhằm tránh mùi vị khó chịu và kích thích hô hấp khi ngủ.
Minh Tân(VnExrpess)