Ðể không khổ vì... hải sản

Cập nhật ngày: 18/05/2015 04:32:16

Thức ăn hay gây dị ứng nhất là hải sản (tôm, cua, ốc, sò, hến, nhộng, ba ba, cá...) dân gian gọi chất tanh. Những người sẵn có cơ địa dị ứng (mẫn cảm không dung nạp) thì ngay những thức ăn thông thường như lạc, cà chua, hành tỏi... cũng có thể gây dị ứng. Ngoài ra, yếu tố gây dị ứng trong thức ăn còn có thể là các chất màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến. Nhất là mùa hè đến là mùa du lịch và thưởng thức hải sản do vậy nên không chú ý sẽ khổ vì ăn hải sản.

Bệnh khá nguy hiểm

Theo cơ chế bệnh sinh, sở dĩ thức ăn gây dị ứng là do bản thân thức ăn chứa nhiều histamin hoặc khi vào cơ thể qua chuyển hóa thức ăn làm sản sinh ra nhiều histamin và một số chất trung gian hóa học có tác dụng làm giãn mao mạch, thoát huyết tương và một số tế bào thoát ra đọng lại gây phù nề tại chỗ, ở một vùng hoặc rải rác khắp cơ thể.


Hải sản là loại thức ăn dễ gây dị ứng.

Các chất gây dị ứng chính có trong thức ăn thường là các protein có nguồn gốc từ động vật và thực vật, các protein này thường bền vững với nhiệt độ. Do đó, mặc dù đã được nấu chín ở nhiệt độ cao, chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất axít của dịch dạ dày.

Bệnh có thể diễn tiến từ các thể nhẹ như chỉ nổi mề đay, nặng hơn là các tình trạng viêm phế quản dạng hen, trong đó tình trạng co thắt phế quản và phù thanh môn gây khó thở dữ dội có thể xảy ra. Một số trường hợp bệnh nhân có thể sốc phản vệ (giống như sốc thuốc kháng sinh) và đưa đến tử vong nếu không được biết đến và cấp cứu kịp thời.

Biểu hiện của bệnh

Các biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng với thực phẩm là tình trạng tổn thương ở da như: nổi mề đay ở da hoặc đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng trở nặng của bệnh chàm. Một số trường hợp gây ra các triệu chứng tiêu hóa như: nôn ói, đau quặn bụng và tiêu chảy làm dễ nhầm với tình trạng rối loạn tiêu hóa hay nhiễm độc thức ăn. Các biểu hiện về hô hấp thường nặng hơn như: viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở nhiều khi rất dữ dội. Trong một số ít các trường hợp dị ứng thực phẩm có thể gây sốc phản vệ và gây chết người, nhất là ở những trẻ em dưới 2 tuổi.

Dị ứng thực phẩm đôi khi có biểu hiện rất mơ hồ và nhẹ nhàng như: tình trạng chán thức ăn, thay đổi khí sắc sau khi ăn... Tình trạng này cũng hay xảy ra ở trẻ em khiến nhiều bậc cha mẹ thấy con mình không muốn ăn mà không thể tìm ra nguyên nhân, càng ép ăn trẻ càng chán ăn một hay vài loại thực phẩm nào đó. Hiện tượng trên kéo dài lâu ngày có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Điều trị thế nào?

Tùy biểu hiện của dị ứng mà việc điều trị có khác nhau. Nếu là mề đay cấp, nhẹ thì thầy thuốc chỉ cho dùng kháng histamin như: phenacgan, dimedron, chlorampheniramin, cimetidin...; nặng hơn có khi phải kết hợp với các chế phẩm corticoid (prednisolon, dexamethazon, coticotropin...) uống hoặc tiêm, truyền. Kết hợp bôi kem làm dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sunfat kẽm. Tuy nhiên, bệnh nhân nên hạn chế gãi vì càng ngứa càng gãi nhiều thì càng phù nề.

Ðã có nhiều công trình nghiên cứu y học trên thế giới cho thấy rằng, tình trạng dị ứng với thức ăn ở trẻ em chiếm một tỷ lệ khá cao từ 6-8% số trẻ từ 2-10 tuổi. Trong khi đó, số người lớn bị dị ứng với thức ăn chỉ chiếm chưa đến 3%. Hơn thế nữa, các biểu hiện về dị ứng ở trẻ em thường trầm trọng và rầm rộ hơn ở người lớn.

Đối với phù Quinck, sốc phản vệ do thức ăn phải được phát hiện và điều trị kịp thời ở cơ sở y tế chuyên khoa mới mong thoát khỏi tử vong.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các loại thức ăn khác nhau thường gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau. Người ta thấy rằng, sữa, trứng gà và lạc thường gây dị ứng cho trẻ em. Còn nghêu, sò, cá biển,... hay gây ra dị ứng cho người lớn. Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị dị ứng với thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề không phải là đơn giản vì biểu hiện của tình trạng dị ứng thực phẩm rất đa dạng. Có những trường hợp xác định khá dễ dàng như dị ứng cá ngừ, nhưng cũng có nhiều trường hợp không thể xác định được loại thực phẩm gây dị ứng vì bệnh nhân ăn nhiều loại thức ăn và cũng có lúc không bị dị ứng. Những trường hợp này phải được xác định bằng test tiêm dưới da khá phức tạp mà hiện nay không phải là phòng khám hay bệnh viện nào cũng có.

Vì vậy, để đề phòng những trường hợp nặng có thể gây tử vong, bệnh nhân và người nhà khi thấy có các biểu hiện đặc biệt như: khó thở dữ dội, trụy tim mạch... cần phải đưa đến ngay các cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu sốc phản vệ để được cấp cứu kịp thời.

BS. Trần Quang Nhật - SKĐS

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn