Cần chú trọng đầu tư du lịch cộng đồng
Cập nhật ngày: 08/06/2015 13:37:20
Có thể nói, trong bối cảnh các sản phẩm du lịch ngày càng trở nên sáo mòn, trùng lắp thì việc mang đến một làn gió mới cho du lịch Đồng Tháp, tạo nên sự đa dạng, phong phú về các loại hình và sản phẩm du lịch để thu hút du khách được xem là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài và bền vững. Trong đó, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) được xem là một trong những giải pháp phù hợp với những tài nguyên du lịch hiện có của tỉnh.
Khu du tích Xẻo Quít
Thực tế đã chứng minh trong vài năm gần đây, các hoạt động của DLCĐ ở Đồng Tháp bắt đầu có xu hướng phát triển. Các hoạt động du lịch trải nghiệm mùa nước nổi của Vườn Quốc gia Tràm Chim, các tour thăm vườn quýt hồng Lai Vung, Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu, Làng hoa kiểng Sa Đéc, thăm ruộng ấu, đồng sen bắt đầu phát huy được tác dụng và mang lại hiệu quả kinh tế, kích thích sự tò mò của du khách, khơi dậy ý thức của người dân đầu tư vào du lịch.
Để phát triển tốt hình thức DLCĐ thì cần phải có sự đầu tư nghiên cứu, xây dựng một số mô hình phù hợp nhằm phát huy được lợi thế của địa phương và mang tính chiến lược lâu dài. Với những tiềm năng hiện có, tỉnh Đồng Tháp có thể xây dựng một số mô hình DLCĐ.
Về du lịch sinh thái cộng đồng, Đồng Tháp có 4 khu du lịch (KDL) sinh thái (KDL sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quít, Vườn Quốc gia Tràm Chim, KDL sinh thái Đồng Sen Tháp Mười), trong đó quan trọng hơn hết là Vườn Quốc gia Tràm Chim với độ đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư mang đặc điểm văn hóa ứng xử mùa nước nổi - đặc trưng của cư dân vùng Đồng Tháp Mười, với nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như làm khô, làm mắm, đan đát,... Hoạt động DLCĐ dưới hình thức này có thể là sự kết hợp tìm hiểu sinh thái tự nhiên khu bảo tồn sinh thái và môi trường xung quanh với tìm hiểu bản sắc văn hóa - xã hội của địa phương bằng việc tham gia vào một khâu nào đó trong quá trình sản xuất hay sinh hoạt văn hóa của người dân và có sự quan tâm đến vấn đề môi trường, lấy Vườn Quốc gia Tràm Chim làm mô hình.
Đối với du lịch văn hóa mang tính cộng đồng, lấy điểm nhấn về văn hóa của cư dân địa phương thu hút khách du lịch tham gia vào các hoạt động của cộng đồng. Ở loại hình này, Đồng Tháp có thể nói đến Khu di tích Gò Tháp - một trong những nơi còn lưu giữ lại di chỉ khảo cổ của văn hóa Óc Eo, cùng hệ thống đền thờ, chùa, miếu mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Ở đây, du khách có thể tham gia trải nghiệm cuộc sống địa phương tại một gia đình có truyền thống văn hóa hoặc tham gia cúng đình, vía bà chúa xứ hay một số trò chơi dân gian đặc trưng do cư dân địa phương tổ chức trong các hoạt động lễ hội. Điều quan trọng hơn hết là đảm bảo yếu tố văn minh phù hợp với văn hóa của cư dân tại địa phương nhằm tránh sự trùng lắp.
Du lịch nông nghiệp, là hình thức du lịch tại các khu vực nông nghiệp, có thể là vườn cây ăn trái, trại nông lâm kết hợp. Với loại hình du lịch này, du khách có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như trực tiếp hái quả, trồng hoa màu, sử dụng các nông cụ, gặt lúa, chèo xuồng, nhổ mạ,... mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và năng suất của gia đình chủ nhà. Ở Đồng Tháp có thể phát triển hình thức du lịch này tại Nông trường Động Cát, vườn quýt hồng Lai Vung, vườn xoài Cao Lãnh, vườn nhãn Châu Thành,...
Du lịch làng nghề, với nhiều ngành nghề khác nhau như trồng hoa, kiểng, làm bột, làm nem, dệt chiếu, đan lục bình, làm mắm, làm khô, đan lờ lọp, đóng xuồng ghe. Tỉnh có nhiều khả năng để phát triển du lịch làng nghề có sự tham gia của cộng đồng. Qua đó, du khách có thể tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm làng nghề, được hướng dẫn cách làm ra sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm nhằm tăng doanh số bán hàng của sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giới thiệu được văn hóa đặc trưng của các làng nghề truyền thống. Loại hình này có thể phát triển tại làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Long Hậu, làng chiếu Định Yên, làng dệt khăn choàng Long Khánh A, làng làm bột Tân Qui Đông, Làng hoa kiểng Sa Đéc.
Vân Sinh
Đồng Tháp đón trên 358 ngàn lượt du khách trong tháng 5
Tháng 5/2015, các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đón 358.500 lượt du khách, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có trên 3 ngàn khách du lịch quốc tế; tổng doanh thu du lịch ước đạt 25,1 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2014. Trong tháng qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác quảng bá du lịch, chỉnh trang cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực phục vụ khách, phối hợp tổ chức đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm phát triển du lịch tại Thái Lan.
Như Anh
|