Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại xã Long Khánh A
Cập nhật ngày: 18/06/2024 13:56:50
ĐTO - Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của Làng nghề dệt choàng tại xã Long Khánh A, UBND huyện Hồng Ngự vừa ra mắt du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh (ấp Long Tả, xã Long Khánh A) với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách. Đây được xem là sản phẩm du lịch mới với nhiều kỳ vọng sẽ thu hút du khách, góp phần quảng bá và đưa hình ảnh Làng nghề dệt choàng vươn xa.
Du khách thưởng thức bánh dân gian tại chợ phiên trong khuôn viên Long Khương Miếu (ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự)
Làng nghề dệt choàng tại xã Long Khánh A hiện có 60 hộ làm nghề dệt choàng. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng và tạo nét riêng, mới mẻ, thu hút du khách, tháng 2/2024, UBND huyện Hồng Ngự quyết định đưa vào khai thác du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh tại ấp Long Tả với nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn.
UBND huyện, chính quyền địa phương tuyên truyền đến các hộ dân làng nghề về chủ trương của huyện trong việc phát triển du lịch cộng đồng và vận động người dân cùng tham gia làm du lịch. Song song đó, tạo điều kiện cho các hộ dân làng nghề tham gia các lớp tập huấn về làm du lịch, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong làm du lịch. Cùng với đó, triển khai cải tạo khuôn viên, hàng rào của Long Khương Miếu; đầu tư cầu tàu để đón khách du lịch. Trong khuôn viên Long Khương Miếu thực hiện Không gian nhà trưng bày làng nghề, phục dựng, tái hiện lại quy trình sản xuất của Làng nghề dệt choàng với các công đoạn như: xả chỉ, hồ chỉ, vắt chỉ, phơi chỉ, xa quay chỉ, mắc cửi, dệt. Đồng thời tổ chức chợ phiên định kỳ 2 tuần/lần vào ngày Chủ nhật, từ 14 - 21 giờ. Chợ phiên với Không gian trưng bày các sản phẩm của làng nghề làm từ nguyên liệu dệt choàng như: áo bà ba, áo dài, túi xách, cà vạt, nón và các sản phẩm OCOP của địa phương phục vụ du khách tham quan, mua sắm. Đặc biệt là Không gian ẩm thực được thiết kế với 23 quầy hàng do các hộ dân tại ấp Long Tả bán với các món bánh dân gian, các món ăn, thức uống dân dã như: bánh canh bột xắt, bánh xèo, bánh khọt, sữa bắp...
Thường xuyên tham gia hoạt động chợ phiên, cô Huỳnh Thị Niêm (SN 1968) ngụ ấp Long Tả, xã Long Khánh A, chia sẻ: “Tôi làm nghề dệt choàng hơn 30 năm qua. Nghề này đem lại nguồn thu nhập và giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống. Khi Nhà nước có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề, tôi rất vui. Từ khi có thêm chợ phiên, tôi thường đến tham gia trình diễn dệt choàng để du khách xem, biết thêm về nghề dệt choàng và những sản phẩm của quê hương”. Đến tham quan Làng nghề dệt choàng, du khách được xem các nghệ nhân trình diễn dệt choàng; trải nghiệm thử các công đoạn phơi chỉ, xa quay chỉ, thử dệt choàng bằng khung dệt tay; nghe các tiết mục đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp do các thành viên Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Long Khánh A biểu diễn.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, bước đầu đưa vào khai thác du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh đã thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Trung bình mỗi lần chợ phiên thu hút trên 500 du khách đến tham quan. Việc khai thác dịch vụ du lịch mới này góp phần tạo việc làm cho nhiều hộ dân tại đây thông qua việc kinh doanh, mua bán tại chợ phiên, đồng thời quảng bá hình ảnh làng nghề, sản phẩm Làng nghề dệt choàng và những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương đến du khách. Từ đó, góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với lưu giữ và bảo tồn làng nghề trăm năm tuổi.
Bà Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu UBND huyện có giải pháp đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông; cải tiến, nâng chất lượng và tạo điểm nhấn riêng cho du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà đầu tư các dịch vụ homestay, xe lôi, xe kéo, kết nối tuyến tour du lịch kết hợp tham quan nhà cổ Long Khánh A, Vườn nho Ba Tuấn xã Long Khánh B và các điểm du lịch khác trong huyện để tạo sự trải nghiệm mới lạ, độc đáo cho du khách. Đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian phục vụ du khách, vận động người dân làng nghề gắn bó với nghề, tham gia làm du lịch... góp phần phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn Làng nghề dệt choàng”.
MỸ XUYÊN