Du lịch Đồng Tháp - “Thuần khiết như hồn sen”
Cập nhật ngày: 22/02/2015 07:22:20
Có thể nói năm 2014 là một năm thành công của du lịch Đồng Tháp với nhiều thành tích ấn tượng: lượng du khách đến Đồng Tháp gia tăng mạnh trên 35% so với năm 2013; hình ảnh du lịch Đồng Tháp đã được xuất hiện một cách “tự nhiên hương” trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng; nhiều khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được bình chọn vào top những điểm du lịch tiêu biểu của Việt Nam; các đơn vị lữ hành trong nước đã đưa điểm đến Đồng Tháp vào các chương trình tour để chào bán thường xuyên...
Du khách tham quan Đồng Sen (Tháp Mười)
Đồng Tháp không có biển, không có núi, không có những công trình xây dựng vĩ đại... thế thì điều gì đã làm nên những chuyển biến lớn lao nói trên của ngành du lịch ở một địa phương luôn tự nhận là vùng đất nông nghiệp lạc hậu và khuất nẻo trong năm qua?
Với tư cách một người tham gia biên soạn Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020”, cá nhân tôi cho rằng đó là sự chuyển biến trong cách chúng ta nhìn nhận và khai thác lợi thế du lịch của địa phương mình. Cụ thể là:
KHI “LẠC HẬU” CHÍNH LÀ “ƯU THẾ”
Trong quá trình khảo sát, kiểm kê và đánh giá các tài nguyên du lịch của tỉnh Đồng Tháp, tôi phải thừa nhận rằng trình độ phát triển du lịch của tỉnh ta đặc biệt là các cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch, chất lượng dịch vụ... còn đang ở một trình độ rất sơ khai, “lạc hậu” rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước.
Tuy nhiên, trong những cái “lạc hậu” đó chúng ta đã vô tình bảo tồn nguyên vẹn được những tài nguyên quý giá, chưa bị xâm phạm: đó là thiên nhiên hoang sơ, là ẩm thực khẩn hoang độc đáo, là những làng nghề truyền thống, những lễ hội cộng đồng, những câu hò điệu lý còn nguyên bản sắc, những người dân thân thiện và hồn hậu.... Những thứ mà xã hội hiện đại đang dần mai một, những thứ đang trở nên quý hiếm trong một đời sống công nghiệp đầy căng thẳng, bộn bề.
Bởi thế, không có gì lạ nếu trong năm vừa qua nhiều du khách gần xa nô nức tìm xuống tận vùng đất “lạc hậu” này để được hòa mình vào trong những cánh đồng sen bạt ngàn, những đồng nước nổi mênh mông, để được thưởng thức những dĩa cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, những mẻ cá kho trong những chiếc nồi đất cũ được chế biến bởi những người dân bản địa “kém chuyên nghiệp”, để được nghe những câu hò Đồng Tháp ngân nga trong không gian yên ả, thanh bình...
Và chúng ta đã chợt nhận ra, nếu biết bảo tồn và phát huy đúng cách những cái “lạc hậu” ấy, chúng sẽ trở thành những thế mạnh cho du lịch Đồng Tháp trong việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hóa cộng đồng.
Du khách tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tam Nông)
NƠI “KHUẤT NẺO” NGHĨA LÀ CÒN NHIỀU ĐIỀU “ĐÁNG KHÁM PHÁ”
Bản đồ du lịch Tây Nam bộ đã kết nối gần như toàn bộ các tỉnh phía nam sông Tiền đến tận mũi Cà Mau, thế nhưng có một vùng Đồng Tháp Mười đặc trưng “đất ngập nước” mà Đồng Tháp nằm một phần trong đó lại chưa được kết nối và khám phá.
Trong bối cảnh mới, khi trục giao thông kết nối TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang được hình thành, tiếp nối sự “lạc hậu” thì “khuất nẻo” lại trở thành một lợi thế. Với sự hỗ trợ của truyền thông, Đồng Tháp đang trở thành “gương mặt bí ẩn còn nhiều điều chưa khám phá” trên thị trường du lịch nội địa đang khát khao điểm đến mới. Từ một điểm chấm mờ nhạt, Đồng Tháp sẽ trở thành điểm đến quan trọng định hình nên tour du lịch xuyên Đồng Tháp Mười ở mạn bắc sông Tiền.
“PHÁT TRIỂN DU LỊCH KHÔNG CHỈ VÌ LỢI ÍCH KINH TẾ MÀ CÒN LÀ TRÁCH NHIỆM VÌ LÒNG TỰ HÀO QUÊ HƯƠNG XỨ SỞ”
Hai dẫn chứng trên đây cũng để chỉ nhằm khẳng định rằng có những cái chúng ta tự cho là yếu, là đáng tự ti thì nó hoàn toàn có thể chuyển thành lợi thế.
Du lịch là một ngành kinh tế đa ngành, sự phát triển của du lịch kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư, xây dựng, tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp... Tuy nhiên, cũng do bản chất đa ngành đó mà nó đòi hỏi toàn thể cộng đồng và xã hội phải cùng chung tay. Nếu toàn thể cộng đồng và người dân Đồng Tháp bỏ được tự ti về tiềm năng du lịch quê hương mình, chuyển sang tự tin và nâng nó lên thành lòng tự hào để xây dựng ý thức và tinh thần làm du lịch thì đề án “Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020” mới có khả năng thực hiện thành công.
Đương nhiên để du lịch Đồng Tháp phát triển còn rất nhiều nội dung và công việc cần phải triển khai như: xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển sản phẩm đặc thù, đào tạo nhân lực...trong cả một chặng đường sắp tới.
Thông điệp “Thuần khiết như hồn sen” được đưa ra nhằm mục đích quảng bá và tôn vinh những giá trị “lạc hậu” được bảo tồn ở vùng đất “khuất nẻo”, làm nên nét độc đáo riêng có của vùng đất Sen Hồng. Mỗi người dân Đồng Tháp hãy là những bông sen hồng thuần khiết mang hai chữ Đồng Tháp của quê hương mình được vươn xa và đưa du lịch Đồng Tháp nâng lên một tầm cao mới.
Lương Hà