Đổi thay từ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Cập nhật ngày: 16/07/2018 16:11:52
ĐTO - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt phong trào) đã qua chặng đường hơn 15 năm, mang lại nhiều đổi mới cho quê hương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hình thành trong nhân dân ý thức xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa.
Người dân huyện Lai Vung góp sức xây dựng cầu, đường nông thôn
Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào ở địa phương triển khai trong nhân dân các phần việc: “Xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, khóm ấp văn hóa, gương người tốt việc tốt,...”; các hội đoàn thể địa phương có các mô hình sáng tạo như “3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo”, “Tổ tiết kiệm”,... giúp đỡ hộ nghèo.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh vận động nguồn lực xã hội đóng góp “Quỹ xóa đói giảm nghèo”, “Quỹ nhân đạo từ thiện và hỗ trợ khó khăn” (năm 2017, đã vận động trên 160 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, khó khăn). Từ sự quan tâm, hỗ trợ đó, hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Khi kinh tế ổn định, tích cực thực hiện tốt các tiêu chí để đạt gia đình văn hóa như: xây dựng hàng rào, cột cờ, trồng hoa trước nhà. Đặc biệt, phong trào người dân góp công xây dựng công trình cầu, đường giao thông nông thôn,... phát triển mạnh mẽ trong tỉnh.
Huyện Lai Vung là một trong những địa phương tích cực thực hiện phong trào của tỉnh. BCĐ phong trào huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng công tác hỗ trợ người nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo, vốn hỗ trợ hội viên các hội đoàn thể, huyện có hơn 200 hộ nghèo được vay vốn làm kinh tế; các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động Quỹ vì người nghèo, các công trình phúc lợi với số tiền 5,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, phong trào người dân tự nguyện vận động, góp công bắc cầu đường nông thôn ở huyện phát triển. Mỗi người có một công việc, lứa tuổi khác nhau nhưng điểm chung của họ là tấm lòng vì xã hội. Nhiều chiếc cầu được xây dựng với sự chung tay góp sức của hàng trăm người dân, giúp việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn. Từ nguồn hỗ trợ của UBND huyện, vận động xã hội, đã xây dựng hoàn thành 19 cầu bê tông, hiện đang thi công 30 cây cầu. Sự đồng lòng đó đã tạo nhiều thay đổi cho huyện. Hiện những chiếc cầu ván, cầu tạm được thay bằng cầu bê tông kiến cố, đường đất thay bằng đường nhựa, nhà kiên cố thay cho nhà tre lá. Nhiều hộ gia đình cũng đang phấn đấu từng ngày để hoàn thành tốt các tiêu chí của phong trào.
Chị Lê Thị Hướng ngụ ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới chia sẻ: “Gia đình tôi cách đây 3 năm là hộ nghèo. Nhờ được vay vốn chăn nuôi heo cộng với việc đi làm thuê kiếm thêm, gia đình tôi đã thoát nghèo. Hiện tại, cuộc sống đã ổn định, tôi tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ ấp để có thêm kiến thức, giúp xây dựng gia đình hạnh phúc, duy trì danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm”. Còn chú Nguyễn Văn Bổn ngụ ấp Hòa Định, xã Tân Hòa bộc bạch: “Hiện nay, đường xá trong ấp được liên thông, đầu tư mới, không còn cảnh lầy lội như trước, đi bán hàng cũng dễ dàng hơn. Tôi rất phấn khởi trước sự thay đổi này”.
Bên cạnh sự góp sức của người dân, một trong những giải pháp để duy trì và thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ là biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm 2018 này, toàn tỉnh có 150 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình,... (giai đoạn 2013-2017) được UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng. Bà Nguyễn Thị Tốt ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Phước, huyện Lai Vung cho biết: “Tôi rất vinh dự được dự họp mặt biểu dương gia đình tiêu biểu và nhận được sự quan tâm của tỉnh. Đáp lại niềm tin đó, tôi cố gắng xây dựng gia đình ngày càng tốt hơn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội”.
Hiện nay, phong trào nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, cụ thể tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa tăng dần theo từng năm. Đến cuối năm 2017 có 92,83% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Đây là tín hiệu khả quan, khẳng định niềm tin của nhân dân và sẽ là động lực để các ban, ngành, đoàn thể phát triển phong trào.
MỸ XUYÊN