"Không thể giữ mãi mức học phí thấp, cào bằng"

Cập nhật ngày: 02/10/2016 06:20:30

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để các trường ĐH tự chủ, nâng cao chất lượng thì không thể duy trì mức học phí thấp, cào bằng với các trường khác.

"Hãy bỏ nỗi sợ tự chủ thì không còn tiền ngân sách"

Tham dự hội thảo về tự chủ đại học do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ sáng 30/9, mặc dù được mời phát biểu khai mạc, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã xin được phát biểu như một tham luận đầu tiên.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo sáng 30/9. Ảnh: Ngọc Quang

Phó Thủ tướng cho rằng, giáo dục ĐH hiện nay "có vấn đề", do vậy, cần phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện và hết sức mạnh mẽ. Nguyên tắc của đổi mới đó là phải đi theo xu thế của thế giới, chính là thực hiện tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng cho rằng, trong những năm qua khi thực hiện thí điểm tự chủ ở một số trường, chúng ta đã hiểu về tự chủ hơi lệch sang tự chủ tài chính.

"Trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, tự chủ không chỉ riêng vấn đề tài chính. Tự chủ ĐH bao gồm cả tự chủ về chuyên môn và tự chủ về bộ máy tổ chức nhân sự" - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho nhiều người hiểu tự chủ ĐH thì nhà nước không cấp tiền cho trường nữa là không đúng.

"Trường mở ra tự chủ thì có thêm nhiều quyền mà nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư"- Phó Thủ tướng nói. Ông dẫn ví dụ Học viện Nông nghiệp được Chính phủ cho tham gia dự án vay vốn với khoản tiền lên tới 50 triệu USD. Trường ĐH Bách khoa HN, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng được hỗ trợ vay vốn hay tiếp tục các khoản đầu tư.

"Hãy bỏ trong đầu nỗi sợ tự chủ không còn ngân sách nhà nước. Tôi khẳng định: Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không tiếp tục đầu tư" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng, Nhà nước sẽ thay đổi cách đầu tư cho các trường đại học. "Các khoản chi thường xuyên sẽ giảm dần để tăng tính tự chủ, trách nhiệm của các trường nhưng về tổng đầu tư không giảm".

"Thay vì nhà nước cấp tiền để trường trả lương cho giáo viên thì tiền đó có thể dùng để cấp học bổng cho các sinh viên thuộc các đối tượng nghèo hay gia đình chính sách. Hoặc cũng có thể cấp thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học để tăng cường hoạt động này trong các trường ĐH" - Phó Thủ tướng nói.

3 vướng mắc của lộ trình tự chủ ĐH

Ngoài vấn đề tài chính, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lộ trình tự chủ ĐH ở Việt Nam hiện nay đang có 3 vướng mắc.

Đầu tiên là vấn đề học phí.

Khi giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, các trường sẽ có quyền quy định mức học phí cao hơn. Dù đã có mức học phí trần và lộ trình tăng do Chính phủ quy định song mức trần này vẫn cao hơn nhiều so với các trường chưa tự chủ.

"Vấn đề đặt ra là tăng học phí thì ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH, nhất là các cơ sở giáo dục chất lượng tốt đối với con em nông dân, con em người nghèo. Do đó, những lo lắng này là chính đáng" - Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định không thể duy trì mức học phí ĐH quá thấp bởi nhà nước không thể đầu tư như các nước phát triển và như vậy sẽ khó khăn trong việc nâng cao chất lượng đầu ra.

Trong khi đó, nhiều người vẫn cho con em ra nước ngoài học với mức học phí cao gấp trăm lần trong nước. Nhiều em học sinh du học tại chỗ.

"Không thể giữ mãi mức học phí thấp, cào bằng" - Phó Thủ tướng khẳng định.

Từ đó Phó Thủ tướng cho rằng, cần nâng cao chất lượng ĐH lên để thu hút những người có khả năng chi trả mức phí cao rồi dùng phần đó cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ sinh viên nghèo, thuộc diện chính sách để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các em.

Vương mắc thứ hai là vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước của Bộ chủ quản. Phó Thủ tướng khẳng định, cần phải loại bỏ những quy định không thực sự cần thiết cho nền giáo dục tiên tiến. "Các nước làm thế nào thì mình cần học tập làm theo".

Vướng mắc thứ 3, cũng là vướng mắc quan trọng nhất chính là mô hình quản trị đại học sau tự chủ. Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề cần phải bàn sâu, bàn kỹ nếu không sẽ không làm được tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng cho rằng, lâu nay chúng ta đã thành lập các hội đồng trường để chuyển từ mô hình quản trị một thủ trưởng sang mô hình quản trị cá nhân kết hợp tập thể, phù hợp với lộ trình tự chủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động của hội đồng trường vẫn còn hình thức, nhất là đối với các trường công lập.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ đang dự thảo nghị định về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp đối với các trường ĐH trong đó yêu cầu thay đổi mô hình quản trị của nhà trường. "Hội đồng trường sẽ tự quyết định hiệu trưởng, hiệu phó" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Ở cuối bài phát biểu, Phó Thủ tướng cho dẫn lại những khó khăn của quá trình đổi mới hệ thống doanh nghiệp nhà nước và khẳng định: "Đổi mới ĐH còn phức tạp hơn là đổi mới doanh nghiệp vì liên quan tới con người và môi trường trí thức".

Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải có nhận thức sâu sắc, thấu triệt, trách nhiệm và quyết tâm cao hơn mới có thể thực hiện thành công tự chủ đại học.

Lê Văn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn