Trường THPT Tháp Mười
40 năm - hành trình ươm mầm cho thế hệ tương lai
Cập nhật ngày: 19/11/2016 05:47:26
ĐTO - Ở “tuổi 40”, Trường THPT Tháp Mười trở thành niềm tự hào không riêng đối với người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp. Khởi đầu gian khó, Trường THPT Tháp Mười hôm nay không những phát triển, lớn mạnh mà còn có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương Tháp Mười giàu đẹp.
Mái trường tre, lá thuở sơ khai của Trường THPT Tháp Mười
Vươn mình từ trong gian khó
Với những thành tựu mà Trường THPT Tháp Mười đạt được hôm nay, ít ai nghĩ rằng cách đây 40 năm, cơ ngơi của trường chỉ là những mái lá liêu xiêu, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Giai đoạn sau giải phóng, nhu cầu nâng cao dân trí ở vùng sâu Tháp Mười trở thành cấp thiết, do đó khoảng tháng 9/1976 Trường cấp III Mỹ An (tiền thân của Trường THPT Tháp Mười bây giờ) được thành lập với đội ngũ GV được huy động là 12 người từ các trường cấp III khác trong và ngoài tỉnh. Ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất, nhân lực của trường đều thiếu thốn, trường phải mượn tạm 4 phòng học cấp I từ Nhà thờ Tin lành Mỹ An, học trò nhà ở xa nên phải thuê nhà trọ để ở, GV không có nhà tập thể phải tá túc ở nhà dân. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, chính cái tình của bà con Tháp Mười, sự yêu mến của các em học sinh (HS) là sợi chỉ vô hình gắn kết đội ngũ thầy, cô với vùng đất bưng biền Tháp Mười.
Thầy Nguyễn Thành Nhân là một trong những giáo viên (GV) gắn bó với trường từ những năm đầu nhớ lại: “Những ngày tháng ấy đất nước còn khó khăn, lương hàng tháng không đủ để GV trang trải cuộc sống, thời điểm đó chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, động viên hết lòng của bà con Tháp Mười. Có cọng rau, con cá hay món gì ngon bà con cũng mang san sẻ với thầy, cô giáo. Cũng chính điều đó mà những người gắn với nghiệp “gieo con chữ” chúng tôi như có thêm động lực và quyết tâm gắn bó với các em học trò”.
Năm 1983 đánh dấu một bước ngoặt mới đối với thầy trò Trường cấp III Mỹ An, khi UBND huyện cấp cho trường một khu đất rộng 1,9ha để xây dựng trường. Thầy trò đã tích cực trồng cây xanh, cải tạo mỹ quan.. Nhờ sự quyết tâm mà nhà trường, bà con nhân dân cùng các em HS đã biến khu đất hoang vắng thành mái trường tươi đẹp với nhiều sinh khí mới. 5 phòng học bằng tràm, tre, lá đầu tiên đã được xây dựng ngay sau đó.
Năm 1985 là dấu ấn quan trọng đối với người dân Tháp Mười khi huyện dành 1 tỷ đồng ngân sách để xây dựng 8 phòng học kiên cố bằng bê tông cốt thép (đây là một khoản tiền rất lớn trong điều kiện kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn). Những năm sau đó, được sự quan tâm của các ngành, chính quyền địa phương, Trường THPT Tháp Mười thường xuyên được nâng cấp cơ sở vật chất, qui mô phòng học không ngừng tăng lên.
Sau 40 năm thành lập và phát triển, đến năm học 2016 – 2017 Trường THPT Tháp Mười có 36 lớp với 1.434 HS, 97 cán bộ, GV, nhân viên, qui mô tăng hơn 30 lần so với ngày đầu thành lập. Đây cũng là thành tựu minh chứng cho sự vượt khó, không ngừng lớn mạnh của tập thể thầy, cô giáo và bao thế hệ HS của Trường THPT Tháp Mười.
Lễ chào cờ đầu tuần tại Trường THPT Tháp Mười
Thầy Nguyễn Văn Hoa - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (từ năm 1981-1988) cho rằng: “Để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay là sự cố gắng bền bỉ, quyết tâm vượt khó của các thế hệ thầy cô, HS và người dân địa phương. Mặc dù thành lập từ những ngày tháng khó khăn nhất, nhưng đây lại là nền tảng để thầy và trò của trường vươn lên. Ngày hôm nay truyền thống vượt khó ấy đã trở thành lý tưởng, kim chỉ nam để các thế hệ mai sau noi theo. Tôi hi vọng các em HS của Trường THPT Tháp Mười hôm nay sẽ luôn cố gắng trong lao động, học tập để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha, anh khi xưa”.
Trường chuẩn Quốc gia – bước tiến dài của thầy và trò xứ bưng biền
Năm học 1977 – 1978, Trường cấp III Mỹ An cho ra lò khóa HS đầu tiên nhưng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ấy, Trường cấp III Mỹ An là trường có tỷ lệ HS đậu thấp nhất trong toàn tỉnh. Sau kinh nghiệm quý giá của cuộc chạm trán đầu tiên, trường bắt đầu thực hiện “cuộc cách mạng” trong công tác dạy và học, nhiều phương pháp mới giúp HS tiếp thu tốt hơn được vận dụng linh loạt. Các chương trình như: tăng tiết, dạy kèm cho HS yếu kém được đội ngũ thầy, cô giáo hết lòng thực hiện. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, trình độ HS của trường được cải thiện rõ rệt. Từ năm 1979, Trường cấp III Mỹ An bắt đầu có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp cao, lọt vào tốp 3 của tỉnh và duy trì tỉ lệ cao nhiều năm sau đó, không ít lần trường có tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp 100%, tỷ lệ HS đậu vào đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp không ngừng tăng lên.
Sau nhiều lần sáp nhập và đổi tên trường, năm 1999, Trường THPT Tháp Mười trở thành cái tên thân thương gắn bó với nhiều thế hệ HS Tháp Mười cho đến ngày hôm nay.
Năm 2004, một dấu mốc vô cùng quan trọng đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ khi Trường THPT Tháp Mười được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Sau sự việc này, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo và địa phương đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, GV được tạo điều kiện bồi dưỡng đạt chuẩn và vượt chuẩn. Từ đó, chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững, không những duy trì thành tích dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp về tỷ lệ tốt nghiệp mà còn tiến một bước dài trong việc nâng tỉ lệ HS giỏi, HS đậu đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Tỉ lệ HS giỏi cấp tỉnh, khu vực, cấp Quốc gia luôn nằm trong top dẫn đầu toàn tỉnh, liên tục nhiều năm liền có HS đạt giải Quốc gia.
Sau khi đạt chuẩn Quốc gia, trường tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực, nâng cao chất lượng giảng dạy. Phương châm “Thầy giỏi sẽ đào tạo trò giỏi” là nền tảng để chất lượng nguồn nhân lực của trường ngày càng được nâng cao. Đội ngũ thầy, cô giáo của trường luôn được tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Phần lớn thầy, cô giáo ở trường đều là GV dạy giỏi và có trình độ sau đại học.
Giờ học thể dục của học sinh Trường THPT Tháp Mười
Một trong những điểm nhấn quan trọng tạo nên sức mạnh của Trường THPT Tháp Mười hôm nay chính là lòng yêu thương học trò, sự tận tuy hết lòng vì sự nghiệp trồng người được kế thừa qua nhiều thế hệ GV. Đây cũng là động lực để các em HS luôn vững tin trong học tập.
Em Nguyễn Trọng Nguyên - HS lớp 12A3 chia sẻ: “Những ngày đầu bước chân vào trường cấp III, em rất bỡ ngỡ khi phải sống xa nhà. Tuy nhiên nhờ sự động viên hết lòng của các thầy cô, em đã sớm hòa nhập với môi trường mới. Với lối giảng dạy trực quan, sinh động, quý thầy cô đã giúp chúng em phát huy được ưu điểm của mình, thêm hăng say trong học tập”.
40 năm - một hành trình nỗ lực không ngừng, Trường THPT Tháp Mười đã nhận được nhiều Bằng khen, Cờ Thi đua của tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính phủ và nhiều Huân chương do Nhà nước trao tặng. Trường THPT Tháp Mười trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy của người dân huyện Tháp Mười và trường cũng vinh dự trở thành một trong những điểm sáng trong phong trào thi đua học tốt – dạy tốt của tỉnh Đồng Tháp. Nhiều thế hệ cựu HS của trường trở thành lực lượng nòng cốt của Đảng, chính quyền ở cấp Trung ương, tỉnh và huyện.
Chia sẻ về kim chỉ nam trong định hướng giảng dạy, Thạc sĩ Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười chia sẻ: “Với phương châm lấy kết quả học tập của HS làm thước đo hiệu quả giảng dạy, làm động lực và nguồn cảm hứng để làm việc, những năm qua, tập thể GV của trường luôn có nhiều cố gắng trong việc nâng cao, hoàn thiện trình độ chuyên môn và luôn hết lòng vì các em HS thân yêu. Nhà trường mong muốn với những hành trang mà thầy, cô giáo đã trao cho HS sẽ là nền tảng vững chắc để các em bước vào đời. Kế thừa những nền tảng của thế hệ đi trước, thầy trò Trường THPT Tháp Mười hôm nay quyết tâm phấn đấu dạy tốt – học tốt, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã giao phó”.
Mỹ Lý