Giải pháp quản lý công tác xây dựng văn hóa nhà trường ở Trường Đại học Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 17/11/2016 06:00:19

Trong quá trình phát triển của cơ sở giáo dục đại học, văn hóa nhà trường (VHNT) biểu hiện sinh động trong các phương diện quản lý (QL), hoạt động dạy học và hành vi ứng xử. Các khái niệm văn hóa, văn hóa tổ chức, VHNT... đã và đang được đề cập trong các diễn đàn quan trọng. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng VHNT ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động của nhà trường.


Lòng nhiệt thành và tinh thần tình nguyện vì cộng đồng là một nét văn hóa của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp

Nội dung của VHNT rất phong phú, song có thể tóm tắt thành ba vấn đề cơ bản. Thứ nhất, VHNT trước hết là tư duy và hành động của các thành viên trong nhà trường. Thứ hai, VHNT còn được thể hiện một cách chặt chẽ nhất quán bởi những định chế, những cung cách điều hành, lãnh đạo và sự tuân thủ của các thành viên trong mối liên kết với nhau nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo và để tạo ra những giá trị của nhà trường. Thứ ba, VHNT còn được thể hiện thông qua những nét “riêng biệt” của mỗi nhà trường, đó là truyền thống xuyên suốt thời gian mà mỗi thành viên trong nhà trường vun đắp và xây dựng.

Là 1 trong 3 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo ở đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp luôn ưu tiên triển khai thực hiện các giải pháp quản lý công tác xây dựng VHNT, góp phần kiến tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển của trường trong những năm tiếp theo.

Trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý công tác tuyên truyền nhận thức về vai trò của việc xây dựng VHNT trong đội ngũ công chức, viên chức và người học, tạo sự đồng thuận, thống nhất về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện trong công tác xây dựng VHNT. Đồng thời, nhà trường ưu tiên hoạt động quản lý công tác xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách việc xây dựng VHNT; tập trung cho hoạt động giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống lành mạnh; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp chuẩn mực của lãnh đạo các đơn vị, viên chức, người học trong các hoạt động dạy và học, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Xây dựng môi trường học thuật văn minh với hình ảnh đẹp; xây dựng nét văn hóa đặc trưng để quảng bá thương hiệu Trường Đại học Đồng Tháp. Đồng thời, định hướng cụ thể cho các hoạt động xây dựng VHNT, làm cơ sở cho việc kiểm tra đánh giá quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng công tác phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong và ngoài trường trong công tác xây dựng VNNT, thực hiện đồng bộ các việc sau: Huy động các nguồn lực trong và ngoài trường vào công tác xây dựng VHNT; tạo mối quan hệ tốt với các cá nhân và tập thể trong và ngoài nhà trường; giúp người học có môi trường sống lành mạnh, sống có định hướng, trở thành người công dân tốt. Song hành với việc tăng cường quản lý công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá, tổng kết việc xây dựng VHNT. Đảm bảo việc thực hiện, đánh giá được công bằng, hợp lý theo đúng tinh thần các văn bản của Bộ Giáo dục Đào tạo và của cấp trên. Giúp công chức, viên chức và người học thực hành những hành vi và thói quen việc làm có tổ chức, kỷ luật tuân theo quy chế và nội quy nhà trường. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý, chấn chỉnh những vi phạm, những lệch lạc để uốn nắn, sửa chữa, từ đó có những điều chỉnh phù hợp. Đánh giá tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong nhà trường đối với công tác xây dựng VHNT, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của công tác này. Xây dựng khuôn viên cảnh quan sư phạm, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kết hợp với các điều kiện đảm bảo khác là một trong những giải pháp hữu hiệu cho công tác xây dựng VHNT đã được triển khai thực hiện thành công ở Trường Đại học Đồng Tháp, góp phần tạo nên môi trường làm việc học tập tốt, để nghiên cứu và sáng tạo. Trên nền tảng hệ giá trị cốt lõi đã được xác lập, tập thể và cá nhân của trường cùng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa nhà trường hướng về sức mạnh hệ thống, với 2 nhiệm vụ hướng tâm là: quản trị và thiết chế văn hóa. VHNT được ví như “chương trình đào tạo ẩn”; tạo nên động lực làm việc; là con đường không chính thức nhưng hiệu quả để kiểm soát hành vi; giúp hạn chế tiêu cực và xung đột; từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 

Qua hành trình 42 năm truyền thống sư phạm và đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, 14 năm xây dựng và không ngừng phát triển, Trường Đại học Đồng Tháp đã xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp và quý báu. Đó là lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ công chức, viên chức và người học đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; tinh thần khắc phục khó khăn, ý thức học hỏi, tự rèn luyện, bồi dưỡng phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, nghiên cứu khoa học; truyền thống đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, sự gắn bó với tập thể của đội ngũ công chức, viên chức và người học dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ. Những truyền thống quý báu ấy đã kết tinh thành sức mạnh để kiến tạo nên một môi trường sư phạm tích cực, luôn được trân trọng gìn giữ, tiếp nối và phát huy.

DIỆU ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn