Đào tạo và bồi dưỡng, phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

Cập nhật ngày: 22/12/2016 06:33:29

“Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” có tên Tiếng Anh là “Enhancing Teacher Education Program”, viết tắt là ETEP. Chương trình với sứ mạng là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn để hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ năm 2016, Trường Đại học Đồng Tháp là 1 trong 11 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã được lựa chọn tham gia và triển khai thực hiện chương trình ETEP.


NGƯT.PGS,TS Nguyễn Văn Đệ tặng hoa chúc mừng Tân Phó giáo sư Triết học Trần Quang Thái và Tân Phó giáo sư Vật lý Huỳnh Vĩnh Phúc

Mục tiêu chương trình ETEP của Trường Đại học Đồng Tháp là tăng cường năng lực của trường để đào tạo có chất lượng và bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 3 nhiệm vụ chính. Đó là, tăng cường năng lực của trường về chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị, năng lực quản trị và sự kết nối với cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục phổ thông khu vực ĐBSCL; tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở khu vực ĐBSCL; phát triển hệ thống nguồn học liệu mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở khu vực ĐBSCL.

Với vai trò và nhiệm vụ này, Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang thực hiện đổi mới chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc xây dựng và phát triển chương trình, chuẩn đầu ra, giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm: xây dựng, hoàn thiện chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất; biên soạn và đưa vào sử dụng hệ thống giáo trình đáp ứng yêu cầu đào tạo giáo viên trong bối cảnh đổi mới, tăng cường các giáo trình điện tử để đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh hiện nay; tăng cường công tác nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ sư phạm của giảng viên và sinh viên; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy của giảng viên và phương pháp học tập của sinh viên, học viên; nâng cao năng lực tự học và nghiên cứu khoa học của sinh viên đáp ứng yêu cầu của chuẩn giáo viên các bậc học.

Theo đó, nhà trường sẽ phát triển và thẩm định 5 chương trình đào tạo thạc sĩ, 17 chương trình đào tạo giáo viên trình độ đại học, 13 chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, biên soạn 30 giáo trình phục vụ đào tạo, tổ chức 6 hội thi và gala phát triển kỹ năng và nghiệp vụ sư phạm, tổ chức 8 hội thảo và hội thi về đổi mới phương pháp dạy và học; đồng thời tập trung bồi dưỡng tăng cường năng lực giảng viên và cán bộ quản lý, hoàn thiện quản trị hệ thống, kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ và tin học; năng lực nghiệp vụ quản trị, quản lý; kiểm tra đánh giá...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường ưu tiên thực hiện là khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và ý kiến phản hồi của nhà tuyển dụng: Điều tra số học viên, sinh viên tốt nghiệp có nhu cầu tiếp tục học sau đại học, tham gia các khóa đào tạo thêm thuộc các lĩnh vực; Khảo sát tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, thời gian tìm kiếm việc làm, các kênh tìm kiếm thông tin về việc làm, lý do thất bại khi tìm kiếm việc làm; Phân tích sự phù hợp giữa việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp với ngành nghề được đào tạo và đánh giá mức độ phù hợp của các chương trình đào tạo đối với việc làm của sinh viên tốt nghiệp; Đánh giá chất lượng của sản phẩm đào tạo thông qua sự hài lòng của người học cũng như các nhà sử dụng lao động; Tổng kết kiến nghị của người học và của người sử dụng lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo và điều chỉnh chuẩn đầu ra.

Thực hiện nhiệm vụ góp phần hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng, phát triển chuyên môn thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở khu vực ĐBSCL, Trường Đại học Đồng Tháp đang tích cực thực hiện công tác kiểm định chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục; đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tái cơ cấu, tổ chức trường; bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, ưu tiên phát triển công nghệ và thông tin; phát triển hệ thống nguồn học liệu mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

NGUYỄN TRẦN HIẾU TRI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn