Nâng chất lượng giáo dục cấp trung học cơ sở
Cập nhật ngày: 20/12/2016 06:01:06
ĐTO - Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tập trung nhiều giải pháp nâng chất lượng cấp THCS như củng cố hoạt động hội đồng bộ môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích giáo viên áp dụng phương pháp mới, sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy...
Năm học 2015-2016, tỷ lệ huy động học sinh (HS) đến lớp đối với cấp THCS ở mức cao (99,20%), tỷ lệ HS lưu ban giảm, số trường đạt chuẩn Quốc gia, HS có hạnh kiểm tốt, học lực khá ngày một tăng... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục cấp THCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: số lượng và chất lượng các kì thi HS giỏi vòng tỉnh chưa cao, điểm tuyển sinh vào lớp 10 ở một số trường còn thấp, kiến thức cơ bản của HS khi vào THPT chưa vững chắc, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho HS còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả; một số điểm trường còn thiếu thiết bị dạy học, thiếu phòng học 2 buổi/ngày, thiếu phòng bộ môn, phòng thực hành, phòng học bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo yếu – kém, trang thiết bị chưa đảm bảo phục vụ tốt cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy nên phần nào ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục;... Khắc phục những hạn chế trên, Sở GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục chủ động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với nhiều biện pháp cụ thể như tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực như: phương pháp “Bàn tay nặn bột”, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề...
Các trường đã triển khai, mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả vào dạy học: thiết kế bài giảng điện tử e-learning, tìm kiếm tài liệu, học liệu trên mạng Internet, sử dụng các phần mềm phục vụ cho việc dạy và học. Đối với các môn khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đã thực hiện kế hoạch nghiên cứu và triển khai ứng dụng “Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội trong nhà trường phổ thông tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2016”. Đa số giáo viên hưởng ứng đổi mới, đa dạng các phương pháp dạy học, hình thức dạy học và đánh giá kết quả học tập của HS; hạn chế yêu cầu HS chỉ ghi nhớ máy móc, nắm vững các kiến thức, kỹ năng của môn học; ra đề kiểm tra theo hướng mở để phát huy tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của HS.
Năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT đã triển khai thí điểm mô hình trường học mới lớp 6 tại 21 trường THCS thuộc 12/12 Phòng GD&ĐT trong tỉnh và trong năm học 2016-2017 Sở GD&ĐT tiếp tục thí điểm mô hình trường học mới tại 30 trường THCS (đối với lớp 6) và 21 trường THCS (đối với lớp 7); tập huấn và hướng dẫn các đơn vị trường chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, khuyến khích các tổ bộ môn sử dụng phần mềm dạy học phù hợp với nội dung, chương trình bộ môn, đi vào chiều sâu, tránh hình thức và lạm dụng công nghệ thông tin; huy động, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất của địa phương, của ngành để tạo điều kiện tốt nhất có thể nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc đổi mới kiểm tra đánh giá, phương pháp dạy học; khuyến khích giáo viên tích cực thực hiện đổi mới, đa dạng các phương pháp dạy học, bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho HS, khắc phục dạy học theo lối đọc chép, trao đổi kinh nghiệm với những giáo viên giỏi về phương pháp dạy học ở địa phương, ở nhà trường và trường bạn...
C.Phương