Nỗ lực đưa chất lượng giáo dục đào tạo lên nhóm đầu khu vực đồng bằng
Cập nhật ngày: 07/12/2016 11:00:59
ĐTO - UBND tỉnh vừa có quyết định ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020. Theo đó, sẽ hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), huy động mọi nguồn lực, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng kiên cố hóa, đạt chuẩn Quốc gia, phấn đấu đưa chất lượng GD&ĐT Đồng Tháp nằm trong nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Học sinh TX.Hồng Ngự trong giờ ăn trưa tại trường
Giai đoạn 2011-2015, ngành GD&ĐT đã bắt kịp sự phát triển chung của khu vực và cả nước. Hiện toàn tỉnh có 708 trường, tăng 10 trường so với thời điểm năm 2010 trở về trước. Tính đến cuối tháng 6/2016, toàn tỉnh có 195 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó mầm non 40 trường, Tiểu học 86 trường, THCS 46 trường, THPT 23 trường (so với mục tiêu đặt ra cho ngành trong giai đoạn 2011-2015 số trường mầm non tăng 6,97%, Tiểu học tăng 1,88%, THCS tăng 2,39%, THPT tăng 3,49%). Cơ sở vật chất tốt, góp phần thực hiện chương trình dạy 2 buổi/ngày, tỷ lệ học sinh (HS) các trường tham gia học 2 buổi/ngày tăng từ cấp Tiểu học đến cấp THPT từ 5 - 30%. Chương trình học 2 buổi/ngày đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, HS; ngoài giờ học, các em được đảm bảo dinh dưỡng từ các bữa ăn bán trú trong nhà trường, đồng thời được rèn luyện khắc phục tình trạng học lực yếu kém...
Ngành GD&ĐT đã chủ động về nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ công tác của ngành trong tình hình mới. Theo đó, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (GV) được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Về lý luận chính trị, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở các lớp bồi dưỡng chính trị dành cho cán bộ quản lý, GV. Ngành đã từng bước thay đổi và đổi mới cách thức tuyển dụng nhân sự như: thành lập hội đồng tuyển dụng GV, thuyên chuyển GV, xem trọng năng lực thực sự của GV. Tất cả các vấn đề liên quan đến quy trình tuyển dụng, thuyên chuyển đều được Sở GD&ĐT công khai trên trang Website của Sở GD&ĐT để tất cả GV trong toàn ngành nắm thông tin, chủ động nộp hồ sơ, gặp trực tiếp hội đồng tuyển dụng, thuyên chuyển để trình bày nguyện vọng.
Đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tình hình mới, Sở GD&ĐT triển khai hiệu quả kế hoạch đổi mới phương pháp giảng dạy trong trường học, thông qua các hoạt động cố vấn của chuyên gia từ Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh; chủ động phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác phân luồng HS...
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay ngành GD&ĐT vẫn còn một số khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, GV mầm non hiện nay vẫn còn hạn chế; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong đội ngũ GV các cấp học; chất lượng đào tạo HS đạt giải cao trong các hội thi toàn quốc chưa đột phá... Vượt khó khăn này, Sở GD&ĐT tiếp tục chú trọng công tác huy động và duy trì sĩ số HS trong độ tuổi đến trường, đặc biệt tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi, trẻ từ 3 - 5 tuổi; công tác huy động tập trung cho HS Tiểu học, THCS, THPT; phấn đấu đội ngũ cán bộ GV, cán bộ quản lý đạt 100% về chuẩn đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT, 100% các đơn vị trường Tiểu học có tổ chức dạy ngoại ngữ, 75% trường Tiểu học dạy 2 buổi/ngày; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, truyền thống lịch sử địa phương cho HS các cấp;...
C.Phương