Trường THPT Tháp Mười

Giải pháp tăng hiệu quả dạy học môn Lịch sử

Cập nhật ngày: 30/11/2016 13:36:50

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, phần lớn học sinh (HS) chưa thiết tha với môn Lịch sử. Để giúp các em có nhiều hứng khởi khi học lịch sử địa phương, các thầy cô giáo viên Trường THPT Tháp Mười đã linh hoạt cách tổ chức trong từng tiết dạy.


Học sinh thảo luận về môn học

Kiểm tra bài cũ, giới thiệu bài mới bằng hình thức ghi chép trên bảng, giáo viên đọc, HS chép là hình thức giảng dạy truyền thống. Với môn lịch sử có nhiều mốc thời gian, khó nhớ thì hình thức giảng dạy này chưa thu hút được các em HS, các em chủ yếu học thuộc lòng nên rất mau quên. Riêng đối với tiết học Lịch sử ở Trường THPT Tháp Mười, học với không khí sôi nổi, tâm trạng thoải mái nên việc tiếp thu bài dễ dàng hơn, nhớ bài lâu hơn. Sau phần kiểm tra bài cũ, HS sẽ được giáo viên giới thiệu sơ lược về nội dung bài học mới, trong từng nội dung bài học, ở từng mốc lịch sử sẽ lồng ghép với từng nhân vật trong mỗi giai đoạn hoặc một sự kiện để HS dễ nhớ...

Sau mỗi bài học, GV sẽ giành một khoảng thời gian ôn lại bài cũ bằng hình thức chơi trò chơi, đố vui, tạo không khí vui tươi, thoải mái. Ngoài kiến thức trong bài học, sẽ lồng ghép vào lịch sử địa phương, các mốc sự kiện cũng như các di tích lịch sử nơi mình sinh sống, HS sẽ được xem hình ảnh trên giáo án điện tử. Từ cách dạy sinh động, thú vị này, giúp cho HS thay đổi suy nghĩ, cách nhìn khác về môn Lịch sử. Em Trần Tuấn Kiệt - HS lớp 11A3 Trường THPT Tháp Mười chia sẻ: Em rất thích phương pháp dạy này, vì khi thầy dạy đến vấn đề, sự kiện thì luôn gắn liền với hình tượng của một vị anh hùng giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử, mở rộng vốn kiến thức và ghi nhớ bài sâu hơn”.

Những năm gần đây, do xu hướng chuộng các môn khoa học tự nhiên vì vậy HS chưa giành nhiều thời gian cho môn học này. Để thay đổi cách nhìn nhận, giúp HS yêu thích môn học Lịch sử, thầy, cô giáo Trường THPT Tháp Mười đã linh hoạt, đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy lịch sử địa phương. Theo Thầy Lê Minh Tường - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Tháp Mười, trước tiên phải làm công tác tư tưởng cho HS, có thể lồng ghép vào lịch sử địa phương, đặc biệt là ở huyện nhà Tháp Mười, bởi vì lịch sử địa phương là một bộ phận không thể thiếu trong lịch sử dân tộc. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt dưới cờ, cuộc thi về tìm hiểu Lịch sử địa phương. Qua việc dạy môn lịch sử, có thể lồng ghép giáo dục về tư tưởng đạo đức cho các em qua việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, ý thức chấp hành Luật an toàn giao thông...”.

Nhờ có nhiều sáng tạo trong cách dạy, nên tỷ lệ HS của trường chọn môn Lịch sử là môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia ngày càng tăng. Thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trường Trường THPT Tháp Mười cho biết, sẽ tiếp tục phát huy phương pháy giảng dạy này để từng bước định hướng HS về vai trò, tầm quan trọng của môn Lịch sử, đồng thời thông qua đó để giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em HS.

Thúy Ly

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn