Thầy giáo trẻ ở Trường Sa

Cập nhật ngày: 20/11/2016 11:54:59

ĐTO - Tôi có dịp giao lưu với thầy giáo Lê Xuân Quyết (SN 1990) tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) vào đầu năm 2015. Khi đó, thầy Quyết đã dạy học ở Trường Tiểu học Song Tử Tây được 1 năm. Thầy Quyết là giáo viên trẻ nhất trong 42 giáo viên tiêu biểu đến từ các xã đảo, huyện đảo trong cả nước đã được trao tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016” được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12/11. Sau khi tham dự sự kiện này, thầy Quyết đã chia sẻ với tôi nhiều điều thú vị.


Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch nước tặng ảnh Bác Hồ cho thầy Lê Xuân Quyết

Lê Xuân Quyết tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, được về dạy tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2 (Vạn Ninh, Khánh Hòa), nhưng 1 năm sau tình nguyện viết đơn xin ra đảo dạy học, vì yêu biển đảo, muốn góp phần gieo chữ cho các em. Lần đầu ra đảo, thầy Quyết ở trên tàu suốt 14 ngày với sóng to gió lớn và bị say sóng nên chỉ ăn được vài ngày, phần nhiều thời gian phải nằm chịu trận. “Thời gian đầu công tác ở đảo, kinh nghiệm còn hạn chế, đặc biệt là việc dạy lớp ghép và dạy cả mầm non vì em chưa học nghiệp vụ dạy mầm non. Trường lớp lúc đó còn thô sơ, học sinh học trong căn nhà tôn nhỏ, trời rất nóng mà điện thì không có. Học buổi chiều, em nào cũng đầm đìa mồ hôi, nhưng các em cũng hiểu đây là khó khăn chung của cả đảo nên cũng không dám phàn nàn mà vẫn cố gắng học tốt. Em thì những ngày đầu cũng nhớ nhà da diết, nhiều đêm khóc vì nhớ nhà. Ngoài việc dạy ngày 2 buổi, em còn phải trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá. Nhiều đêm không có điện, em phải ra cột điện đèn đường để xem bài học sinh, nhưng cũng đến 21 giờ thì phải vào nhà ngủ theo quy định của đảo, nếu làm việc tiếp thì em phải thắp nến. Ở đây, mọi người đối xử với nhau như anh em và những học trò em xem như những người em ruột. Như vậy thì em đã có cả gia đình ngoài đảo rồi. Em rất tự hào vì được dạy học trong ngôi trường giữa biển khơi” - thầy Quyết bộc bạch.

Lần ra thăm đảo Song Tử Tây, tôi và thầy Quyết cùng một số anh em có ăn chung một bữa cơm ngay trong căn phòng đơn sơ, gọi là trường học. Cùng với nhiều sự đổi mới trên đảo, ngôi trường đã được xây mới khang trang 2 tầng. Trong lớp học có quạt trần, 2 bóng đèn... Đây là kết quả của sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với biển đảo. Thầy Quyết chia sẻ: “Em thật sự không bao giờ hối hận vì đã chọn ra đảo phục vụ. Tuy 1 năm em mới về nhà thăm gia đình 1 lần nhưng em đã có thêm 1 gia đình, 1 quê hương mới. Đảo là nhà, biển cả là quê hương mà anh. Em cưới vợ năm rồi. Vợ em rất chia sẻ, quan tâm, động viên em để em yên tâm bám đảo...”.

Công tác ở đảo, thầy Quyết có rất nhiều câu chuyện cảm động, chẳng hạn: Em Bảo Châu - học sinh lớp 4, trong chiêm bao có mơ thấy mình mua được 1 ổ bánh mì đang đưa vào miệng nhưng chưa kịp ăn thì mẹ đã đánh thức dậy vì trời đã sáng rồi. Bảo Châu kể cho mẹ nghe, mẹ em khóc và nói mẹ không biết con đang ăn bánh. Nếu mẹ biết thì mẹ không bao giờ kêu con dậy ngay đâu. Đối với học trò ngoài đảo, bánh mì là món ăn quá xa xỉ. Hay trung thu năm 2015, để không còn khoảng cách với đất liền, thầy Quyết đã tận dụng lồng tre nhốt gà, vịt trang trí thêm bao bảo quản để làm đầu lân và người múa là thầy giáo, phụ huynh. Bọn trẻ thật vui, nên thầy cũng vui lây và càng tăng thêm tình yêu trẻ, yêu nơi đây hơn...


Thầy Quyết dạy học sinh đảo Song Tử Tây (ảnh nhân vật cung cấp)

“Nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, em và nhiều giáo viên khác được tuyên dương tại Hà Nội, được gặp Phó Chủ tịch nước - Đặng Thị Ngọc Thịnh, em rất vui, rất hạnh phúc. Những ngày ở Hà Nội là những ngày mở mang cho em nhiều kiến thức. Em đã hỏi thăm và học hỏi thêm từng thầy cô được tuyên dương. Những lời khuyên của Phó Chủ tịch nước và thầy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, em sẽ khắc ghi và phấn đấu hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ người thầy nơi tiền tiêu” - thầy Quyết nói.

Ở đảo, ngày 20/11, thầy Quyết không nhận được hoa, thiệp mà nhận rất nhiều câu chúc, những dòng tâm sự đầy cảm động; phụ huynh có cá, mực làm quà tặng thầy. Đó là những món quà đong đầy ý nghĩa, mà không phải giáo viên nào cũng có được.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn