Hiệu quả từ công tác phối hợp thực hiện chuẩn phổ cập giáo dục
Cập nhật ngày: 29/11/2016 06:28:07
ĐTO - Huyện Tháp Mười, TP.Sa Đéc là hai địa phương có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục (PCGD) và được tỉnh công nhận đạt chuẩn Quốc gia về PCGD Tiểu học đúng độ tuổi; PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Để đạt chuẩn, duy trì chuẩn PCGD, huyện Tháp Mười thực hiện hiệu quả công tác huy động học sinh (HS) ra lớp. Điểm thuận lợi của huyện là quy mô trường lớp được mở rộng và phủ khắp đến các khóm, ấp; bình quân khoảng 2km có 1 điểm trường; hệ thống giao thông được cải thiện, thuận lợi cho HS đến trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch “Thực hiện ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, hướng dẫn, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với ngành giáo dục huy động tối đa HS đến trường, vận động HS bỏ học trở lại lớp, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ bỏ học; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ, giúp đỡ HS thuộc diện gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện thuận lợi đến trường, không để xảy ra tình trạng HS bỏ học rồi mới vận động trở lại lớp sẽ gặp khó khăn hơn. Hội Khuyến học huyện, các trường Tiểu học huy động các nguồn lực xã hội đóng góp hỗ trợ cho HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về học bổng, quần áo, cặp sách, dụng cụ học tập, xe đạp, bảo hiểm y tế... Nhà trường cho HS mượn sách giáo khoa, đồ dùng học tập để tạo điều kiện thuận lợi cho HS đến trường. Năm học 2013-2014, có 988 HS được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Năm học 2014-2015 có 1.117 em được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng. Năm học 2015-2016 có 636 em được hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng...
Ngoài giúp đỡ vật chất, giáo viên còn tăng cường kèm cặp, bồi dưỡng HS yếu, chưa hoàn thành môn học và có nguy cơ bỏ học. Phòng GD&ĐT hướng dẫn, chỉ đạo các trường Tiểu học căn cứ kết quả năm học trước, thực hiện tốt công tác bàn giao HS, tiến hành rà soát phân nhóm đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân đối với nhóm còn khó khăn trong học tập, chưa hoàn thành môn học để có phương pháp dạy học thích hợp, vận dụng giải pháp bồi dưỡng hợp lý để giúp các em tiến bộ...
Tại TP.Sa Đéc, Phòng GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền thanh thành phố, các xã, phường phát thanh tuyên truyền về các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách liên quan đến công tác công tác PCGD mầm non (MN) cho trẻ em 5 tuổi; chỉ đạo các trường MN đưa các nội dung tuyên truyền về công tác phổ cập giáo dục MN cho trẻ em 5 tuổi ở bảng tin tuyên truyền, phát thanh vào các giờ đón, trả trẻ và trong các buổi họp phụ huynh ở trường, các lớp nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của người dân về công tác công tác PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi. Đầu năm học, các trường MN phối hợp với các đoàn thể xã, phường thực hiện công tác vận động trẻ ra lớp, thông báo trên sóng phát thanh ngày nhập học, gởi thư, đi đến nhà vận động.
Một trong những yêu cầu để đạt chuẩn PCGD cấp MN cho trẻ em 5 tuổi là trẻ được chăm sóc, học 2 buổi/ngày. Từ năm 2010 - 2013, TP.Sa Đéc đã xây dựng mới 5 trường MN, đáp ứng tốt cho việc học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho các lớp 5 tuổi. Cùng với việc xây dựng thêm trường, lớp, huy động trẻ ra lớp thì việc đầu tư sở vật chất và trang thiết bị cũng được Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các đơn vị vận động xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Các trường MN phát động phong trào tự làm, tự trang bị đồ chơi để đảm bảo cho các lớp đủ trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Các trường bố trí giáo viên có trình độ chuyên môn, năng lực vững vàng dạy ở các lớp mẫu giáo 5 tuổi; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm.
C.Phương