Châu Thành duy trì chuẩn phổ cập giáo dục

Cập nhật ngày: 10/12/2016 06:24:36

ĐTO - Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong những lĩnh vực được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Châu Thành quan tâm thông qua các văn bản về công tác phổ cập giáo dục (PCGD); những mục tiêu cụ thể; đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp học ngày càng mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Toàn huyện hiện có 14 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia; cấp Tiểu học có 25 trường với 58 điểm, có 5 trường đạt chuẩn Quốc gia (hầu hết các trường Tiểu học đều có số lớp dạy 2 buổi/ngày; 2 trường có tổ chức bán trú gồm Tiểu học Nha Mân 1, Tiểu học Cái Tàu Hạ 1); THCS có 12 trường, trong đó có 6 trường đạt chuẩn Quốc gia; cấp THPT có 3 trường công lập, trong đó có 2/3 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Ngoài ra, huyện còn có Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng ở tất cả các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho mỗi người được học tập nâng cao trình độ, kiến thức. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dẫn đầu về tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Với những nỗ lực trên, đến tháng 12/2015, 12/12 xã, thị trấn của huyện Châu Thành duy trì kết quả đạt chuẩn Quốc gia về PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD Tiểu học mức độ 1. Đặc biệt, toàn huyện có 6/12 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD bậc trung học.

Bên cạnh những thuận lợi, huyện vẫn còn một số hạn chế như: thành viên Ban Chỉ đạo chống mù chữ - PCGD từ huyện đến xã, thị trấn thường thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác PCGD, phân luồng học sinh; tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn; cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, khó khăn... Để duy trì kết quả chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo PCGD - Xóa mù chữ huyện Châu Thành tiếp tục đề ra chỉ tiêu 12/12 xã, thị trấn duy trì vững chắc, nâng dần tỷ lệ chuẩn, đồng thời đề ra các giải pháp: đổi mới thường xuyên phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh vươn lên trong học tập, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm đạt từ 95% trở lên; thực hiện kiểm tra, đánh giá bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh; không làm quá tải nội dung dạy giúp học sinh nâng cao khả năng tự học, tự kiểm tra, đánh giá, nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng; các trường, Trung tâm Giáo dục thường xuyên khảo sát, phân loại học sinh bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tham gia phổ cập, những học sinh không có điều kiện sẽ học các lớp giáo dục thường xuyên; Hiệu trưởng các trường THPT, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên phải phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo chống mù chữ - PCGD, hội đoàn thể có biện pháp vận động, giáo dục học sinh không bỏ học, nghỉ học; huy động các em trong độ tuổi ra lớp phổ thông, PCGD thường xuyên. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT, các trường xem việc duy trì sĩ số tại các trường phổ thông là giải pháp căn cơ trong công tác xóa mù chữ, PCGD. Các xã, thị trấn phân công giáo viên phụ trách địa bàn, cán bộ điều tra thống kê, cập nhật số lượng học sinh đang học tại các đơn vị trường, xây dựng kế hoạch cụ thể để huy động học sinh. Theo đó, giáo viên cần nắm rõ hoàn cảnh thực tế của học sinh nghèo, có nguy cơ bỏ học vì học lực yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ. các đơn vị liên quan tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền phân luồng hướng học sinh tham gia học nghề, liên kết phối hợp với các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các em. Phòng GD&ĐT phối hợp hiệu quả với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền vận động để người dân cùng tham gia vào hoạt động duy trì chuẩn PCGD tại địa phương.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn