Đầu tư các nguồn lực cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 08/06/2021 05:48:34

ĐTO - Giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục lộ trình đầu tư, phát triển hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó, đầu tư nguồn vốn, hoàn thiện cơ sở vật chất gồm nhiều hạng mục và các ngành, nghề trọng điểm, cải tiến chất lượng, đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng nhu cầu giảng dạy…


Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp có 1 nghề đầu tư cấp độ quốc gia

Mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh hiện có 28 cơ sở, quy mô đào tạo khoảng 21.500 học viên/năm. Thực hiện theo Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm. Hiện tại Đồng Tháp có 5 trường được đầu tư nghề trọng điểm gồm: Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp có 5 nghề gồm 2 nghề đầu tư cấp độ quốc tế (công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại), 3 nghề đầu tư cấp độ Asian (công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản); Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp có 2 nghề gồm 1 nghề đầu tư cấp độ Asian (điều dưỡng) và 1 nghề đầu tư cấp độ quốc gia (dược); Trường Trung cấp Hồng Ngự có 3 nghề đầu tư cấp độ Quốc gia gồm: nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chế biến và bảo quản thủy sản, điện công nghiệp; Trường Trung cấp Thanh Bình có 3 nghề đầu tư cấp độ Quốc gia gồm: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, chế biến và bảo quản thủy sản, điện công nghiệp; Trường Trung cấp Tháp Mười có 2 nghề đầu tư cấp độ Quốc gia gồm: kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại và Điện công nghiệp...

Từ năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện việc kiểm soát chất lượng đào tạo và các cơ sở GDNN đã thực hiện tự chuyển đổi thành công từ bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2008 sang bộ tiêu chuẩn ISO 9001:2015, góp phần nâng cao chất lượng về quản lý, chất lượng học sinh, sinh viên sau đào tạo. Ngoài ra, các cơ sở GDNN thành lập Hội đồng Kiểm định chất lượng GDNN và báo cáo kết quả tự kiểm định chất lượng GDNN theo quy định. Thông qua hoạt động kiểm định chất lượng các cơ sở GDNN rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng, đào tạo của nhà trường làm cơ sở cải tiến, đổi mới chương trình phù hợp với nhu cầu thị trường lao động tại địa phương, trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường gắn kết công tác GDNN với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các cơ sở GDNN đã hợp tác với DN để nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời có cam kết về việc làm và nguồn thu nhập tốt cho người học. Đến ngày 31/5, toàn tỉnh có 13/28 cơ sở GDNN ký kết hợp tác đào tạo với các DN. Theo kế hoạch phối hợp, các DN tiếp nhận học sinh đến thực tập cuối khóa, tuyển dụng học sinh, sinh viên vào làm việc sau tốt nghiệp. Các cơ sở GDNN phối hợp với DN thực hiện các nội dung đào tạo học viên theo chương trình cơ bản, nâng cao; mời chuyên gia từ các DN tham gia giảng dạy trong quá trình đào tạo. Tổ chức hội thảo chuyên đề với DN, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nội dung phối hợp, cải tiến, bổ sung những kiến thức và kỹ năng mới, tiên tiến vào chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường tuyển dụng lao động...

Với các giải pháp thu hút đầu tư của UBND tỉnh, trong đó có lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, trong liên kết đào tạo, các cơ sở GDNN chủ động liên kết đào tạo với các trường có uy tín trong và ngoài tỉnh như: Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học Kỹ Thuật Minh Tân (Đài Loan), Đại học Kang Ning (Đài Loan)... Hoạt động liên kết mở rộng ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong, ngoài nước góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Học sinh học tập tại Trường Trung cấp Tháp Mười (huyện Tháp Mười)

Trong thời gian tới, theo lộ trình, việc đầu tư các cơ sở GDNN, đặc biệt là các đơn vị trường đào tạo ngành nghề trọng điểm được phân bố theo khu vực. Trong đó các trường cao đẳng tập trung ở TP.Cao Lãnh, các trường trung cấp và các trung tâm chủ yếu tập trung ở các huyện. Số lượng trang thiết bị theo quy mô và cấp trình độ đào tạo tương ứng theo quy định, nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ đào tạo phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động (gồm thị trường khu vực và quốc tế)... Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được tạo điều kiện chuẩn hóa, đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nhất là những ngành, nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động mở rộng liên kết với các trường, cơ sở đào tạo có chức năng, uy tín trong và ngoài nước; đa dạng hóa công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là những ngành, nghề tỉnh chưa có thiết bị thực hành, nhưng thị trường lao động cần. Theo lộ trình, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp được đầu tư, nâng cấp, mở rộng, trở thành đơn vị tư vấn, tuyển dụng, đào tạo, khai thác, phát triển thị trường lao động; liên kết đào tạo, cung ứng giới thiệu việc làm trong, ngoài nước cho người lao động. Các cơ sở GDNN tuyển mới giảng viên, giáo viên ngành nghề kỹ thuật, sắp xếp lại vị trí việc làm. Huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia giảng dạy trong các cơ sở GDNN. Hằng năm, nâng dần tỷ trọng đầu tư cho dạy nghề trên trong tổng chi ngân sách cho giáo dục đào tạo, tập trung đầu tư cho những cơ sở dạy nghề trọng điểm, biên giới, nông thôn...

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn