Để đọc sách trở thành thói quen, nhu cầu và niềm vui đích thực đối với sinh viên

Cập nhật ngày: 14/04/2021 09:19:01

Hiện nay, internet và các phương tiện nghe nhìn dường như đang có nhiều ưu thế hơn so với sách in. Trước đây, sách gần như là phương tiện chính để đáp ứng các nhu cầu giải trí và tích lũy kiến thức của nhiều người, nhưng gần đây, thói quen đọc sách ở sinh viên (SV) đang có nguy cơ bị mai một. Theo thống kê của cơ quan chức năng dựa trên báo cáo của các thư viện, người Việt Nam đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là trung bình chưa được 1 cuốn sách/người/năm).


Các thành viên Câu lạc bộ Đọc sách Trường Đại học Đồng Tháp trong một dự án nhỏ “Nuôi heo đất mua sách”. 
Ảnh: Đinh Văn Nhân

Đối với SV các trường đại học, đọc sách là nhiệm vụ bắt buộc. SV muốn có kiến thức chuyên ngành vững vàng, đủ sâu, đủ rộng, thì cần có thói quen đọc sách. Hơn thế nữa, đọc sách không thể chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin, mà còn thể hiện khả năng thưởng thức, cảm nhận cái hay, cái đẹp từ sách. Nghĩa là, bản thân việc đọc sách còn thể hiện nét văn hóa đích thực, vượt lên trên khái niệm đọc thông thường. Chính vì thế, đọc sách vẫn là hoạt động không thể thay thế được.

Trong các yếu tố chung và riêng, kỹ năng đọc là yếu tố quan trọng. Kỹ năng đọc hình thành ở từng cá nhân, chi phối thói quen và thái độ ứng xử đối với việc đọc sách. Kỹ năng đọc được trao đổi, kết nối và chia sẻ cho nhau sẽ tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, phát triển kỹ năng đọc hướng đến hiệu quả đọc. Trong tổ hợp các thao tác tư duy và ứng xử của kỹ năng đọc, quan trọng nhất là vận dụng điều đã đọc vào thực tiễn, đó cũng là cấp độ cao của việc đọc sách.

Đối với SV, đọc không chỉ để hiểu được “thông điệp” của sách mà cần đánh giá được điều đúng và điều chưa đúng, điều hay và điều chưa hay của sách, tìm điều hữu ích để phát triển bản thân, góp phần phục vụ cộng đồng. Nhiều SV chưa có thói quen đọc sách được nhìn nhận ở nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên là do SV chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đọc sách, và chưa cảm nhận được “niềm vui bình dị mà sang trọng” khi đọc sách. Cho nên, đọc sách cần tiếp tục được xác định là tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ chuyên cần của SV với thang đo cụ thể trong đánh giá.

Bên cạnh sách bắt buộc phải đọc, thư viện cần thường xuyên giới thiệu sách hay, sách mới... để giúp SV có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu, sự quan tâm, hứng thú của cá nhân. Trong hoạt động đọc, có tồn tại vấn đề sở thích cá nhân, đó là thiên hướng. Vì vậy, muốn phát triển văn hóa đọc cho SV, cần giới thiệu nguồn sách phong phú, đa dạng, giá trị cao, để sao cho mỗi SV đều tìm được sách. Khuyến khích SV “viết”, có nhiều trải nghiệm trong việc “viết” để hình thành niềm đam mê trong việc “đọc” là một giải pháp khả dụng. Bên cạnh việc khuyến đọc, nên tạo điều kiện cho SV có nhiều điều kiện và cơ hội trải nghiệm việc viết, vì đọc và viết có mối liên hệ mật thiết với nhau, đọc tốt sẽ giúp viết tốt và ngược lại.

Gần đây, những người có tâm huyết trong việc gầy dựng và phát triển văn hóa đọc đã tìm mọi cách thực hiện các dự án “Chủ động đem sách đến gần người đọc” và đã “gặt hái” được thành quả bước đầu. Để đọc sách có thể trở thành thói quen, nhu cầu tự thân, sở thích đích thực của SV, các trường đại học cần kiến tạo thêm các hoạt động thu hút và các mô hình khuyến đọc mới: các không gian sách đẹp và thuận tiện, các không gian đọc xanh và kết nối, thư viện sách mini “Một quyển sách đổi một quyển sách”, vận động xây dựng tủ sách mini ở các phòng ký túc xá và nhà trọ SV, dự án tiết kiệm nuôi heo đất để mua sách, “lì xì” sách, bổ sung sách vào trong các phần thưởng và học bổng dành cho SV, tổ chức các chuyến đi thực tế trải nghiệm “Hành trình sách và giá trị cuộc sống” và tổ chức các hoạt động khuyến đọc từ chính những đề xuất sáng tạo của các bạn SV. 

HIẾU TRI - CHÂN NHƯ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn