Hiệu quả công tác đào tạo nghề ở Châu Thành

Cập nhật ngày: 05/12/2012 04:26:49

Những nghề được chọn mở lớp của Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành luôn là những nghề đơn giản, phù hợp với nhiều người muốn tận dụng thời gian nông nhàn để tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Gia đình không có đất sản xuất, chồng đi làm phụ hồ, 2 con nhỏ còn đi học, bản thân chị Lê Thị Mai - ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Long, huyện Châu Thành ai thuê gì làm nấy nên thu nhập không ổn định. Đầu năm 2012, chị được Hội Phụ nữ xã Phú Long vận động tham gia lớp dạy nghề đan thảm lục bình. Sau khi học, chị có việc làm và tạo được một khoảng thu nhập khá ổn định. Công việc của chị khá đơn giản, mỗi ngày đan khoảng 4 - 5 thảm tròn bằng lát, tiền công 9.000 đồng/sản phẩm hoặc xỏ dây lục bình với tiền công 4.000 đồng/kg. Nguyên liệu do cơ sở sản xuất cung cấp mỗi ngày chị kiếm được 30.000 đồng.

Thời gian gần đây, dạy nghề nông nghiệp cũng được Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành chú trọng với sự tham gia cộng tác của đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngành nông nghiệp huyện. Đến thời điểm này Trung tâm đã phối hợp mở được 11 lớp dạy nghề nông nghiệp, bình quân mỗi lớp có 30 học viên tham gia với các nghề như: kỹ thuật trồng cây có múi, sửa kiểng Bon sai, nuôi heo, nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức cho nông dân trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Niên - một hộ chăn nuôi gà ở ấp Tân Bình, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, mô hình nuôi gà thả vườn được ông thực hiện từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả mang lại không cao. Từ khi tham gia lớp dạy nghề nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, ông Niên đã tiếp thu được nhiều kiến thức từ việc bố trí chuồng trại, chọn con giống, thức ăn chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gà áp dụng vào thực tế và kết quả mang lại thấy rõ. Hiện đàn gà vườn của ông đã phát triển trên 100 con thịt và 30 con giống hậu bị. Ông vừa xuất chuồng bán trên 100 kg gà thương phẩm với giá 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí ông còn lợi nhuận hơn 6 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Niên nói: “Trước đây tôi nuôi gà hao hụt khoảng 40% nhưng sau khi tham gia khóa học, hao hụt còn rất ít. Theo tôi, những lớp học như thế nên phát triển nhiều để người dân được học”.

Dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các ngành, các cấp trên địa bàn huyện quan tâm. Công tác trên địa bàn huyện Châu Thành còn gặp không ít khó khăn, vì qua khảo sát thực tế, loại hình nghề tiểu thủ nông nghiệp trên địa bàn huyện gần như đã bão hòa và chưa phát triển được ngành nghề mới, trong khi nhu cầu việc làm của lao động nông thôn trên lĩnh vực này còn khá lớn. Ông Lục Thanh Hòa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành nói: “Năm 2013, dự kiến đào tạo 24 lớp, trong đó phân nửa số lớp dạy nông nghiệp. Các ngành nghề nông nghiệp năm sau gặp khó thì chúng tôi sẽ tìm hiểu các ngành nghề khác, cơ sở khác để về vận động tuyên truyền cho các cơ sở, nếu công việc, thu nhập ổn định thì tiếp tục đào tạo”.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Trung tâm, đến thời điểm này công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thanh Dự

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn