Hướng nghiệp, phân luồng học sinh gắn với định hướng nhân lực của tỉnh

Cập nhật ngày: 09/03/2017 06:39:59

ĐTO - Năm học 2016-2017, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) sẽ thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp THCS gắn với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.


Học sinh tìm hiểu thông tin về chương trình hội thảo việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức

Theo đó, chương trình tư vấn hướng nghiệp, phân luồng HS sẽ được Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan thực hiện theo hướng tư vấn, định hướng HS, phụ huynh HS quan tâm đến các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, khởi nghiệp, lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Theo Sở GD&ĐT, hướng nghiệp, phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS được xem là một giải pháp cấp thiết, giúp HS có nhận thức đúng hơn về nghề nghiệp bản thân, năng lực sáng tạo, gắn với nhu cầu xã hội... Định hướng phân luồng sẽ dựa vào các luồng chính là các em có tiếp tục học lên THPT, học trung cấp chuyên nghiệp hay học giáo dục thường xuyên, học nghề để làm công nhân hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch tư vấn hướng nghiệp, phân luồng, HS toàn tỉnh phải trải qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 theo nguyện vọng nhằm phân loại chất lượng học tập. Sau kỳ thi, nếu HS đủ điểm đỗ vào lớp 10 các trường có chất lượng giảng dạy tốt, các em sẽ tự tin học tiếp lên đại học, cao đẳng. Đối với các HS không đủ điểm trúng tuyển lớp 10, sẽ vào các trường có số điểm chuẩn thấp hoặc sang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hoặc vào học tại các trường nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm để chuyển sang chọn ngành nghề, tìm việc làm trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện chương trình tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho HS gắn với nhu cầu nhân lực của tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phối hợp thực hiện tại các điểm trường trong toàn tỉnh. Tại huyện Cao Lãnh, chương trình tư vấn phân luồng HS được tổ chức quy mô, thu hút sự quan tâm của lãnh đạo UBND xã, thị trấn, Ban giám hiệu các trường, các em HS, phụ huynh HS. Tham gia hội thảo phân luồng, các em được cung cấp những kiến thức liên quan đến ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng, thu nhập, thị trường lao động trong, ngoài nước. Ngoài ra, các đơn vị trường còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để cung cấp thông tin về thị trường lao động cho các em thông qua các hoạt động: giao lưu trực tiếp với đơn vị tuyển dụng tại trường, thông tin trên tờ rơi, bảng điện tử...

Chính những nỗ lực phối hợp trên, năm học 2016-2017, số học sinh cần huy động sau khi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT đã vào các cơ sở giáo dục gồm các trường nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên chiếm 32,67%, tăng 6,8% so với năm học trước; nhiều HS chủ động học nghề, thay vì chọn con đường vào học đại học, sau đại học. Em Nguyễn Văn Ẩn - cựu học viên Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cho biết: “Học lực em chỉ trung bình. Ba em làm thợ hồ, còn mẹ phụ việc công trình. Gia đình khó khăn nên em suy nghĩ nếu học đại học thì tiền học phí, chi phí ăn ở rất tốn kém, do đó sau khi học xong lớp 9, em chọn học nghề. Học nghề xong, em xin vào làm cho một công ty tại Long An, thu nhập khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cuộc sống...”. Em Nguyễn Thị Mỹ Phương - học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh cho biết: “Em học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Sau khi tốt nghiệp, em ra xin việc tại cơ sở tư nhân, thu nhập 2,8 triệu đồng/tháng. Nếu có điều kiện, em sẽ học thêm để có bằng nghề, dễ xin việc và thu nhập cũng sẽ cao hơn...”.

Tăng cường hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho HS, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường tiếp tục thành lập Ban Tư vấn hướng nghiệp tại các trường; khảo sát sơ bộ phân loại nguyện vọng HS, giúp HS định hướng nên học nghề hay học văn hóa; cập nhật một số thông tin định hướng của tỉnh liên quan đến nhu cầu nhân lực dự báo đối với các ngành nghề từ năm 2017 - 2020. Trước mắt, Sở GD&ĐT khởi động thành lập các mô hình khởi nghiệp, trang bị kiến thức cho đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong trường học về các chương trình trọng điểm của tỉnh, những đổi mới về nhu cầu nhân lực. Các đơn vị trường cần khuyến khích HS tìm hiểu một số thông tin mang tính chất dự báo; chủ động kết nối, giao lưu với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn