Kết quả khả quan từ công tác tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Cập nhật ngày: 22/12/2021 16:08:16
ĐTO - Năm 2021, công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) trong tỉnh đạt 101,19% so với kế hoạch năm. Các CSGDNN đã phát huy ưu thế trong công tác tư vấn, hướng nghiệp phân luồng, tổ chức tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp, duy trì công tác giảng dạy trực tuyến đảm bảo công tác giới thiệu việc làm cho học sinh (HS) sau thời gian học tập tại trường.
Học sinh Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp thực hành nghề trên phương tiện hiện đại
Đến nay, toàn tỉnh có 29 CSGDNN có năng lực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm công lập và ngoài công lập, với các loại hình đào tạo gồm cao đẳng, trung cấp... Với sự quan tâm của UBND tỉnh, các CSGDNN được phân bổ đều ở tất cả các huyện, thành phố (mỗi huyện, thành phố có từ 2 cơ sở công lập hoạt động giáo dục nghề nghiệp trở lên). Trong năm 2021, thực hiện nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sư phạm... cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) tại các CSGDNN trong tỉnh.
Ngoài ra, các CSGDNN, cá nhân cũng chủ động nguồn kinh phí hoặc tranh thủ các nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân tài trợ để đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ CBQL, GV. Đến nay, đội ngũ CBQL, GV tại các CSGDNN cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tổ chức các hội thi tay nghề cấp tỉnh dành cho GV đang giảng dạy trực tiếp tại các CSGDNN. Hội thi cấp tỉnh đã thu hút đông đảo GV tại các đơn vị trường tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, GV các CSGDNN đã ứng dụng các phần mềm trực tuyến để giảng dạy lý thuyết cho các em HS đang học tập tại trường. Đồng thời xây dựng phương án hướng dẫn HS tăng thời lượng thực hành trên các thiết bị hiện đại. Với cách làm này, chương trình dạy và học đối với HS tại các CSGDNN vẫn đảm bảo, không bị gián đoạn. Ngay sau thời điểm các hoạt động dạy và học được trở lại bình thường, các CSGDNN đã tổ chức hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp để các em HS tìm kiếm cơ hội việc làm.
Qua khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ HS có trình độ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm bình quân đạt khoảng 91%; tỷ lệ HS tham gia học nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tỷ lệ có việc làm đạt 100%. Tại Trường Trung cấp Tháp Mười, huyện Tháp Mười phát huy những thế mạnh sẵn có về cơ sở vật chất và đội ngũ CBQL, GV, Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động đổi mới công tác tuyển sinh. Hiện nay, trường thực hiện tuyển sinh đối với 8 nghề gắn với nhu cầu thực hành. Với sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH trường có đầy đủ các phòng chức năng phục vụ cho việc dạy và học cho HS từ lý thuyết đến thực hành.
Ngoài ra, khi tham gia học tập tại trường, các em HS sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định, cụ thể như miễn 100% học phí, được vay vốn hỗ trợ trong thời gian học tập, 80% được thực hành trên dây chuyền hiện đại ngay tại trường, được hỗ trợ thủ tục khi có nguyện vọng học liên thông đại học. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, không chỉ đảm bảo các chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng, năm 2021, Trung tâm cùng đơn vị liên kết đào tạo đã phối hợp đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy với tổng chi phí gần 2 tỷ đồng.
Với sự quan tâm đối với công tác tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại các CSGDNN. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đổi mới các định hướng đầu tư cho hoạt động tuyển sinh, đào tạo nghề. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đào tạo nghề áp dụng trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho các đơn vị xây dựng lộ trình tự chủ kinh phí. Sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn các huyện: Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất điều chuyển trang thiết bị đào tạo nghề đã được đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện về các CSGDNN, đơn vị đào tạo có nhu cầu sử dụng để nâng cao hiệu quả đầu tư, dạy nghề cho HS, người lao động có nhu cầu.
H.An