Giáo dục Đồng Tháp - mấy vấn đề cần quan tâm trong năm học 2022 - 2023
Kỳ 1: Thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới
Cập nhật ngày: 01/09/2022 16:00:31
ĐTO - Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3, ngành giáo dục phổ thông cả nước tiến hành triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Dẫu có một số vấn đề về chất lượng khoa học của bộ chương trình nói chung và sách giáo khoa của các lớp 1, 2, 6 đã được dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng bàn đến (đã được chỉnh sửa ít nhiều) trong thời gian qua. Như một nhiệm vụ không thể không thực hiện, trong năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thật tốt cho các lớp này và thêm các lớp: 3, 7, 10. Chương trình và sách giáo khoa mới ắt có nhiều điều mới. Muốn triển khai tốt, cả ngành giáo dục Đồng Tháp và từng giáo viên tại các cơ sở giáo dục cần phải thực hiện với tần suất và hiệu suất cao một số công việc quan trọng sau đây:
Thứ nhất, phải tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhất là giáo viên dạy các lớp 3, 7, 10 một cách kịp thời và chất lượng nhất có thể. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng có nhiều, song chí ít cũng phải đạt được hai điều: 1. Nắm được một cách khái quát, đồng bộ nội dung chương trình cả cấp học (có thể cả sự liên thông giữa các cấp) và lớp mình dạy, đặc biệt là phải nhận rõ đâu là tín hiệu mới so với chương trình cũ. 2. Tiếp cận và nhận ra cái mới của sách giáo khoa từ thiết kế, cấu trúc cả bộ (tập) sách cho đến nội dung cụ thể từng bài học. Nói chung, mục đích tối thượng của thao tác tập huấn là để cán bộ, giáo viên tiếp cận, nhận rõ cái mới của chương trình và sách giáo khoa, qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ công tác chỉ đạo chuyên môn cho đến việc trực tiếp dạy - học. Điều quan trọng không kém của hoạt động tập huấn là việc tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình và sách giáo khoa mới không chỉ cho cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục mà còn cho cả cộng đồng, xã hội, nhất là cho phụ huynh học sinh, từ đó, tạo đồng thuận, ủng hộ đối với tiến trình mới mẻ nhưng không ít nhọc nhằn này.
Thứ hai, đi kèm với công việc tập huấn là kỹ năng lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp. Thao tác lựa chọn này là vô cùng quan trọng đối với việc triển khai dạy - học tại một lớp, một trường cụ thể. Về nguyên tắc, mỗi giáo viên có thể tự mình lựa chọn một bộ sách thích hợp để dạy (trong các bộ sách: “Chân trời sáng tạo”; “Cánh diều”; “Kết nối tri thức”...). Tuy nhiên, theo tôi, nếu không có sự thống nhất trong toàn ngành giáo dục Đồng Tháp thì chí ít cũng cần có sự thống nhất lựa chọn trong từng trường (đối với cấp THPT) và trong từng phòng giáo dục (đối với cấp THCS và TH). Điều này rất quan trọng không chỉ cho hoạt động chỉ đạo chuyên môn một cách thống nhất, đồng bộ mà còn là điều kiện để từng giáo viên có dịp trao đổi kinh nghiệm dạy - học một cách kịp thời, thiết thực nhất có thể. Như các bộ sách giáo khoa các lớp 1, 2, 6 ở các năm học trước, sách giáo khoa mới của các lớp 3, 7, 10, có thể vẫn sẽ có những cái “gai”, những “hạt sạn” nào đó (vì chung một nhóm biên soạn). Điều cần có của từng cán bộ chỉ đạo chuyên môn và nhất là từng giáo viên trực tiếp dạy - học là cần thể hiện rõ bản lĩnh nghề nghiệp, biết tỉnh táo và chừng mực để chung tay xử lý tình huống, không hùa theo “đám đông”, qua đó, làm tình hình “rối” thêm một cách không cần thiết.
Thứ ba, không ngừng và tích cực đổi mới phương pháp dạy - học. Chương trình và sách giáo khoa mới là một chuyện. Nó sẽ chẳng có gì mới và “vô hồn” nếu giáo viên không chuyển tải nó trong một quy trình dạy - học bằng hệ thống phương pháp đổi mới một cách tương thích, hài hòa. Cái mới của hệ thống phương pháp dạy - học hoàn toàn không phải là cái gì đó khác lạ, gây “sốc” mà là cái phù hợp nhất, mang lại hiệu quả cao nhất đối với nội dung một bài học cụ thể. Như vậy, đổi mới phương pháp dạy - học không phải là cố tâm tìm kiếm những gì cao siêu, huyền bí mà đôi khi chỉ là những phương pháp quen thuộc, giản đơn từng có, song mang đến chất lượng dạy - học cao. Không ngừng và tích cực đổi mới phương pháp dạy - học của giáo viên chính là ở chỗ đó. Nghĩa là phải biết lao tâm khổ tứ để tìm ra một (hoặc một số) phương pháp “ngon” nhất, “siêu” nhất trong vô số phương pháp dạy - học cho bài dạy - học cụ thể trong chương trình mới mà mình thực hiện. Phương pháp đó có khi chỉ là thuyết trình (diễn giảng), có khi chỉ là vấn đáp (đàm thoại), có khi chỉ là trực quan, có khi chỉ là thảo luận nhóm... hoặc kết hợp chúng với nhau. Dù như thế nào thì có thể khẳng định, hoàn toàn không có một phương pháp dạy - học nào trùm phủ toàn bộ nội dung bài học trong sách giáo khoa. Đổi mới phương pháp dạy - học cũng chính là đổi mới con đường tiếp cận, lựa chọn những phương pháp tối ưu cho từng nội dung bài học cụ thể. Làm được điều này, chính là đổi mới phương pháp dạy - học trong thực hiện chương trình phổ thông mới vậy!
Thứ tư, tiếp tục quan tâm và từng bước nâng cao, hoàn thiện dạy - học bằng hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại. Hơn 2 năm qua, dạy - học trực tuyến (dạy - học online), khiến thầy trò cả nước, trong đó có Đồng Tháp đã ít nhiều “quen” với công nghệ - thông tin và các phương tiện, thiết bị nghe - nhìn hiện đại. Trở về dạy - học trực tiếp tại từng cơ sở giáo dục, không có nghĩa, thầy và trò khước từ, “xóa sổ” công nghệ - thông tin và các phương tiện, thiết bị nghe - nhìn hiện đại nói trên. Ngược lại là đằng khác! Nghĩa là, trong những điều kiện cho phép về cơ sở vật chất, trang, thiết bị dạy - học của mỗi cơ sở giáo dục cụ thể, giáo viên phải biết tận dụng, vận dụng tối đa lĩnh vực này, qua đó, làm cho bài dạy của mình sinh động hơn, hiệu quả hơn, nhất là tận dụng tối đa tính chất “đồng hiện” của thiết bị điện tử để trong một thời lượng và khoảng thời gian tối thiểu, có thể mang lại một hiệu quả dạy - học tối đa. Thông dụng nhất vẫn là sử dụng thành thạo kỹ năng dạy - học bằng phần mềm trình chiếu PowerPoint (thường gọi là bài giảng điện tử) một cách thực chất, không “hình thức chủ nghĩa”.
Để dạy - học thuận lợi và ít nhiều thành công chương trình và sách giáo khoa mới, cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Đồng Tháp cần phải tiếp cận, thực hiện một hệ thống công việc tương thích, trong đó có mấy vấn đề nêu trên, thuộc về thao tác và quy trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
TAO ĐÀN