Năm học mới, lắng nghe nguyện vọng từ phụ huynh và giáo viên

Cập nhật ngày: 05/09/2017 06:58:58

Năm học mới 2017-2018, nhiều phụ huynh và giáo viên bày tỏ mong muốn lễ khai giảng nên hướng vào việc tạo niềm vui đến trường thực sự cho học sinh.

Hôm nay (5/9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước nô nức đi dự lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2017-2018.

Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục đã đưa ra 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp nằm nâng cao chất lượng đào tạo. Còn về phía các thầy cô giáo và phụ huynh cũng có nhiều mong muốn, chờ đợi, kỳ vọng ở năm học mới 2017-2018.

Lễ khai giảng nên đặt học sinh là nhân vật trung tâm

Chuẩn bị đón năm học mới, các thầy cô giáo đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng về kiến thức, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm để bước vào năm học mới.

Là lãnh đạo nhà trường đồng thời cũng là một giáo viên, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội hy vọng và đặt niềm tin vào những thay đổi của giáo dục nước nhà, hướng dần đến tính hiệu quả, đáp ứng được chất lượng giáo dục nhằm tạo cho học sinh hứng thú hơn trong học tập. Những thay đổi trong cách quản lý để các nhà trường, thầy cô được trao quyền, chủ động và sáng tạo nhiều hơn.

Hiện nay, các địa phương được chủ động quy định ngày tựu trường phù hợp với thực tế. Việc tựu trường sớm có thể vì thời gian năm học, ví dụ THCS được quy định 37 tuần thực học (chưa tính thời gian nghỉ lễ tết). Do đó, nếu tựu trường vào 5/9 thì có thể phải lùi thời điểm kết thúc năm học sang tháng 6. Lúc đó, thời tiết khá nóng và cũng ảnh hưởng tới các kỳ thi khác.

Theo bà Mai Hương, lễ khai giảng nên đặt học sinh là nhân vật trung tâm, các hoạt động nên hướng vào việc tạo niềm vui đến trường cho học sinh và tất cả các em đều được tham gia hoạt động. Để làm được điều này cần sự chỉ đạo thống nhất đồng bộ của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương. 


Phụ huynh và giáo viên mong muốn lễ khai giảng thực sự tạo được kỷ niệm và niềm phấn khởi cho học sinh khi bước vào năm học mới (ảnh minh họa)

Đề cập việc tổ chức lễ khai giảng, là phụ huynh đang có 2 con học cấp Tiểu học và THCS, anh Nguyễn Văn Lộc, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bày tỏ sự thương cảm với hai cháu khi nhà trường cho đi học sớm đến gần 1 tháng thì mới tổ chức ngày khai giảng.

Theo anh Lộc, ngày khai giảng để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với học trò, tạo niềm phấn khởi để các em chuyên tâm học tập tốt cho năm học mới. Vì vậy, không nhất thiết là nhà trường cho các cháu học trước gần 1 tháng rồi mới tổ chức khai giảng.

Còn nếu nhà trường tổ chức cho các cháu học hè sớm, chẳng hạn như 15/8 thì ngày khai giảng cũng là ngày này luôn. Việc tổ chức ngày khai giảng nên ngắn gọn, không nên để các trường báo cáo thành tích, trình bày phát biểu chiếm hết thời gian văn nghệ hay các hoạt động khác của học sinh.

Thay sách giáo khoa mới cần trên việc học tập thực tế ở từng địa phương

Cô Trần Thị Hồng Hạnh, trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ nguyện vọng năm học mới giáo viên có thể toàn tâm cống hiến hết mình cho giảng dạy để mỗi học sinh đến trường thực sự là một ngày vui, hội đủ các kiến thức và kỹ năng và đạo đức tốt để trở thành một công dân toàn cầu.


Giáo viên mong muốn, việc thay sách giáo khoa mới cần trên việc học tập thực tế ở từng địa phương (ảnh minh họa)

Để thực hiện được mục tiêu này thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ riêng ngành Giáo dục mà cần sự phối hợp ở các ban, ngành khác từ việc xây dựng chương trình học.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang biên soạn chương trình sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, để chương trình sách giáo khoa thiết thực và hiệu quả trong giảng dạy thì Bộ không chỉ nghiên cứu kỹ lưỡng trên lĩnh vực học thuật mà cần trên thực tế điều kiện, chất lượng học tập, giảng dạy thực tế ở từng vùng miền, đối tượng học sinh.

Bên cạnh đến việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, cô Hồng Hạnh cũng bày tỏ mong muôn vào năm học mới, ngành Giáo dục tiếp tục chăm lo hơn đến đời sống của giáo viên để họ yên tâm công tác, giảng dạy chất lượng, hiệu quả hơn.

Phụ huynh mong không còn tình trạng lạm thu

Năm học mới này, không chỉ có giáo viên bày tỏ mong muốn, nguyện vọng chính đáng mà nhiều phụ huynh cũng có những tâm tư muốn gửi tới ngành Giáo dục.

Chị Nguyễn Thu Hòa, thường trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình Hà Nội có 2 con đang đi học. Một cháu đang học lớp 8 và cháu nhỏ đang học lớp 3.


Phụ huynh bày tỏ mong muốn không còn tình trạng "lạm thu" trong trường học (ảnh minh họa- Internet)

Vẫn biết là năm học mới đến thì gia đình nào cũng phải mua sắm sách vở, quần áo và các vật dụng cần thiết khác cho con. Tuy nhiên, cứ đến đầu năm học mới là chị nhận được thông báo từ phía trường học của 2 con dưới hình thức tiền đóng góp tự nguyện như: tiền xây dựng trường, thay điều hòa, thay mới đồng phục, tiền sửa sang lại lớp học, tiền mua máy chiếu, tài liệu học tập...

Mỗi khoản đóng góp cộng lại, chị Hòa tính ra tương đối nhiều. Hai vợ chồng chị chỉ làm công nhân ngành Điện lực, với tổng thu nhập hàng tháng khoảng 13 triệu đồng nên đóng những khoản thu dồn dập vào đầu năm học mới cho 2 con thì nhiều lúc chị cảm thấy khó có thể xoay sở cho cuộc sống.

Theo chị Thu Hòa, mặc dù ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng lạm thu, tuy nhiên nhiều khoản chi ngoài luồng vẫn chưa chấm dứt. Nhiều phụ huynh có ý định thắc mắc, hoặc chưa đồng tình với nhà trường và ban phụ huynh, nhưng cũng cố “nhắm mắt” đóng cho xong vì con họ đang học ở trường.

Tuy nhiên, chị Hòa cho rằng, việc nhà trường thu những khoản nào thì cần cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình lao động. Ví dụ như không phải năm nào lớp học cũng mua sắm điều hòa mới vì một chiếc điều hòa có thể sử dụng được vài năm, nếu hỏng thì có thể sửa chữa để dùng tiếp.

Bích Lan/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn