Những hạn chế ở cấp trung học cơ sở

Cập nhật ngày: 12/08/2016 10:09:43

ĐTO -  Trong cuộc họp trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có ý kiến cho rằng cần đầu tư hơn cho cấp trung học cơ sở (THCS), bởi kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua cho thấy chất lượng giáo dục (CLGD) ở cấp học này chưa ổn định.

Nhiều năm qua, vấn đề thi tuyển sinh lớp 10 được xem là bước phân loại học sinh (HS), cũng là bước chuyển để thực hiện chủ trương phân luồng HS. Theo đó, những HS có khả năng theo học hệ phổ thông sẽ tiếp tục, những HS không có khả năng sẽ được vận động sang hệ nghề hoặc hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Chính vì vậy, tự thân HS cũng đề ra mục tiêu riêng cho bản thân, những HS khá, giỏi sẽ được gia đình định hướng vào các trường chuyên, trường trung học phổ thông (THPT) có CLGD tốt; những HS có học lực trung bình, yếu sẽ đăng ký thi vào những điểm trường vừa với năng lực để khi thi 3 môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ các em sẽ “giành vé” vào trường THPT phù hợp với nguyện vọng, làm bước đệm để vào đại học, cao đẳng.

Để HS “giành vé” vào các trường THPT, các trường THCS trở thành nơi ôn luyện rất quan trọng. Nhiều trường “sở hữu” đội ngũ thầy, cô giáo giỏi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ; mỗi giáo viên đều có một phương pháp riêng. Em Phan Hoàng V. - HS Trường THPT Thành phố Cao Lãnh chia sẻ: “Để thi tuyển vào Trường THPT Thành phố Cao Lãnh em phải học ôn từ năm lớp 8. Ngoài thầy cô trong trường, em phải học thêm bên ngoài. Mỗi thầy, cô có một cách dạy riêng, hướng vào những nội dung trọng tâm nên khi vào thi em không quá bỡ ngỡ...”. Đảm bảo chất lượng, tính công bằng cho HS, Sở GD&ĐT thành lập hội đồng coi thi, giám thị coi thi, chấm thi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 phản ánh khá trung thực việc tiếp thu kiến thức của HS. Rà soát lại CLGD ở cấp học THCS qua kỳ thi tuyển sinh, Sở GD&ĐT đã đánh giá kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Qua đó, cho thấy tỷ lệ trúng tuyển lớp 10 trong tỉnh luôn thấp hơn tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS. Số trường THPT có điểm chuẩn vào lớp 10 dưới 10 điểm chiếm 40%; từ 10 điểm đến dưới 20 điểm chiếm 40%; còn lại là trên 20 điểm. Đối với từng môn thi, điểm Toán dưới 3 điểm, chiếm 25%, từ 3 - 5 điểm chiếm 35%, từ 5 điểm đến dưới 8 điểm, chiếm 35,5%, còn lại là HS đạt điểm 8 đến điểm 10; môn Văn từ 3 - 5 điểm chiếm 44,76%, từ 5 - 8 điểm chiếm 39,76%, còn lại là HS đạt điểm 8 đến điểm 10; môn Ngoại ngữ, HS có điểm số dưới 3 điểm chiếm 20,5%, từ 3 - 5 điểm chiếm 41%, HS đạt 5 - 8 điểm chiếm 31%, còn lại là đạt điểm 8 đến điểm 10. Với kết quả trên, Sở GD&ĐT cho rằng số lượng bài thi có điểm 0 dù đã giảm, phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con, các trường THCS cũng đã cải tiến chất lượng giảng dạy đối với HS lớp 9, nhưng chất lượng bài làm của HS vẫn chưa tiến bộ nhiều, nhiều HS vẫn chưa nắm vững được kiến thức cơ bản; còn nhiều trường THPT có điểm chuẩn vào lớp 10 quá thấp (từ 10 điểm trở xuống); bản thân HS không nắm vững kiến thức cơ bản, HS khối lớp 6,7,8 chưa được nhà trường quan tâm đúng mức, từng khối lớp một số giáo viên bộ môn chưa quản lý sát việc tiếp thu kiến thức của HS; trường THCS xếp loại học lực giỏi, khá với tỷ lệ quá cao so với trình độ thực học của HS. Chính vì vậy việc đầu tư cho cấp THCS là điều cần thiết; cần thay đổi phương pháp giảng dạy của giáo viên, việc tiếp thu bài của HS; công tác quản lý việc dạy, học tại các trường thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, hướng đến chất lượng sẽ góp phần giúp HS vững kiến thức, tự tin làm bài đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi chuyển từ cấp THCS lên cấp THPT.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn