Trường Đại học Đồng Tháp:

Tích cực đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh mới

Cập nhật ngày: 08/02/2017 10:55:33

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội, phương thức làm việc và tương tác của mỗi người. Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và số hóa, giáo dục và đào tạo đứng trước thời cơ và thách thức mới, trong đó sứ mệnh và vai trò của người giáo viên sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ, khi tri thức và người học vận động không ngừng, với “tốc độ” cực nhanh. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần có chiến lược phù hợp để phát triển. Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp luôn tích cực đổi mới hoạt động đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với bối cảnh mới.

Trường đã tổ chức phát triển chương trình đào tạo tất cả các ngành theo định hướng ứng dụng, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đổi mới được thực hiện theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, liên thông, tăng cường năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội. Chương trình đào tạo các ngành đào tạo giáo viên của trường tương thích với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; giảm mạnh những kiến thức ít gắn với thực tiễn nghề nghiệp, tăng kiến thức về khoa học giáo dục, bổ sung kiến thức về phát triển chương trình giáo dục nhà trường.

Giảng viên của trường luôn được đặt yêu cầu cao về kiến thức cập nhật, nghiên cứu khoa học công nghệ, về năng lực sư phạm và chuẩn ngoại ngữ theo từng giai đoạn. “Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo theo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học” là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên, bộ môn và khoa.

Bên cạnh đó, trường đã từng bước chuyển từ mô hình đào tạo giáo viên dạy môn học cụ thể sang mô hình đào tạo chuyên gia giáo dục thuộc lĩnh vực chuyên môn. Tái cấu trúc các ngành đào tạo giáo viên theo hướng nâng chuẩn trình độ đào tạo, hình thành một số ngành đào tạo giáo viên dạy theo tổ hợp, hợp liên môn. Đổi mới toàn diện quá trình đào tạo giáo viên ở tất cả các khâu: tuyển sinh, mục tiêu đào tạo cụ thể/chuẩn đầu ra, nội dung, phương pháp dạy học, hình thức tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá... cho tương thích với chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông các cấp và yêu cầu nghề nghiệp mang tính mô phạm và đặc thù.

Đồng thời, trường đã xây dựng các đề án tham gia tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chủ động phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức các hội thảo khoa học về triển khai đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, về đổi mới quản lý giáo dục các cấp (sở, phòng, trường, trung tâm). Xây dựng đề án bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long theo chuẩn nghề nghiệp để chủ động phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo cùng thực hiện.

Để thực hiện tốt các chiến lược đào tạo và bồi dưỡng, song song với công tác không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ, trường luôn quan tâm đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống giáo trình, tài nguyên học liệu như: xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý phục vụ công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ viên chức; nghiên cứu để đưa các sản phẩm giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động giáo dục; từng bước xây dựng hệ thống E-Learning phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để xây dựng và triển khai các khóa học trực tuyến có chất lượng, mang tính tương tác, phù hợp với nhu cầu phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của người học; đồng thời, phát triển mạng xã hội, diễn đàn trao đổi trực tuyến dành cho người học và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở tiếp cận và sử dụng các công cụ và tính năng hỗ trợ đồng nghiệp được tích hợp trên nền tảng công nghệ thông tin.

Khi nói về vai trò của giáo viên, nhiều nhà giáo dục chia sẻ quan điểm “Chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ giáo viên”. Trong kỷ nguyên mới, vai trò của giáo viên có sự dịch chuyển từ chỗ chủ yếu trao truyền kiến thức, sang quản lý hành vi xã hội và tình cảm của học sinh, là người truyền cảm hứng, phương pháp học trong môi trường số hóa, đồng thời là cố vấn thông thái để giúp trò phát triển thành công dân tốt. Với chiến lược phù hợp, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ góp phần đào tạo và bồi dưỡng thành công đội ngũ nhà giáo mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn